Giải vật toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng lần thứ II năm 2023: Sới vật hấp dẫn của xứ Đoài
Sáng 22/4, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), UBND Thị xã phối hợp với Liên đoàn Vật Việt Nam tổ chức khai mạc Giải vật dân tộc toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng lần thứ II năm 2023. Giải có sự tham gia của gần 150 đô vật đến từ 16 đoàn.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội và Chương trình số 11 của Thị ủy Sơn Tây về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025". Thời gian tổ chức giải từ ngày 22 - 24/4.
Sôi động, hấp dẫn qua từng keo vật
Theo Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao Thị xã Sơn Tây: Giải vật lần thứ 2 năm 2023 có quy mô lớn hơn năm trước. Tham gia thi đấu, 16 đoàn đến từ các sới vật tiếng tăm ở các tỉnh thành trên cả nước đã đăng ký tham dự. Đồng thời, Giải có gần 150 trưởng đoàn và vận động viên - đa phần là các tay đô có tiếng, thậm chí từng giành huy chương trong và ngoài nước - cũng tham gia tranh tài.
Mở màn cho giải là keo vật thờ đầy ấn tượng của hai đô vật cổ Nguyễn Tiến Bảo và Nguyễn Đức Thịnh.
Ông Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ: “Qua sự nhất chí của Thị uỷ, tôi và đô vật Nguyễn Đức Thịnh – những vận động viên đã từng tham gia các giải lớn trong nước, rất vinh hạnh khi được tham dự keo vật thờ mở màn Giải đấu. Năm nay là năm thứ hai tôi tham dự Giải vật dân tộc toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng, tôi nhận thấy sự chuẩn bị quy mô và hoành tráng hơn nhiều so với năm trước của Thị xã Sơn Tây.”
Vận động viên trẻ Hoàng Danh Vỹ thuộc Câu lạc bộ Vật dân tộc huyện Thạch Thất, tham gia thi đấu hạng 55kg cho hay: “Đây là lần đầu tiên em tham gia Giải vật dân tộc toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng, em rất vui và cảm thấy may mắn khi đánh bại được đô thủ tiềm năng, đã có nhiều thành tích và huy chương vàng thuộc đoàn Nghệ An. Lợi dụng sự chủ quan của đối phương, em đã chớp thời cơ để lật ngược tình thế, mang về chiến thắng cho đoàn mình.”
Đáng chú ý, Giải Vật dân tộc toàn quốc tranh Cúp Phùng Hưng lần II còn có sự tham gia của đô vật Phạm Văn Có, đến từ tỉnh Thừa Thiên - Huế, tham gia thi đấu hạng 65kg. Đô vật Phạm Văn Có là kiện tướng cấp quốc gia 15 năm, đã đoạt 2 Huy chương vàng tại Đại hội Thể thao toàn quốc liên tiếp trong các năm 2018, 2022 hạng 60kg.
Sự tham gia, góp mặt của các đô vật, người có bề dày thành tích và người là gương mặt mới với quyết tâm cao độ đã tạo nên các keo vật thu hút công chúng.
Đến theo dõi và hưởng ứng Giải vật dân tộc toàn quốc của địa phương, ông Lê Tiến Phương (75 tuổi, trú tại phường Quang Trung, Thị xã Sơn Tây) chia sẻ: “Tôi rất vui và phấn khởi vì Sơn Tây đã tổ chức được giải vật có quy mô và sức hấp dẫn như vậy. Các keo vật rất hay và kịch tính, góp phần lưu giữ, quảng bá, phát triển những giá trị văn hoá truyền thống của Sơn Tây.”
Một điểm nhấn của Giải vật dân tộc toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng lần thứ II năm 2023 là sự góp mặt của các đô nữ. Theo thông tin từ Ban tổ chức (BTC), có 22 đô nữ tranh tài tại giải đấu năm nay.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống
Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống được lồng ghép trong giải vật bằng nhiều hoạt động lan toả rộng rãi. Trước khai mạc, BTC đã cùng các đại biểu, vận động viên các đoàn làm lễ dâng hương tại Đền Phùng Hưng và Ngô Quyền tỏ lòng thành kính, biết ơn tới vị Anh hùng dân tộc quê hương Sơn Tây - Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết: Giải vật phát huy truyền thống thượng võ, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Sơn Tây; vinh danh Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – một đô vật cổ trong lịch sử xứ Đoài. Qua đó, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; khơi dậy giữ gìn và phát triển môn vật dân tộc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Một trong những nét văn hoá đặc sắc của Sơn Tây được thể hiện trong Giải vật toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng là nghi thức xe đài - thủ tục không thể thiếu trước mỗi trận đấu.
Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao Thị xã Sơn Tây Vũ Đức Quân cho biết: Màn xe đài là một tiêu chí trước khi vào thi đấu của giải vật, hai đô vật lão thành được BTC và Liên đoàn Vật chọn lựa, mang nét điển hình của đô vật, cũng là hình ảnh để các đô vật khác học tập màn xe đài của các đô vật cổ.
Chia sẻ về nét đặc trưng và khác biệt của màn xe đài ở Sơn Tây, ông Nguyễn Tiến Bảo, một đô vật kỳ cựu trong vật dân tộc cho biết: “Xe đài không phải hình thức khởi động mà là sự tâm linh. Mỗi vùng miền với những nét văn hoá khác nhau sẽ có màn xe đài theo đặc trưng khác nhau. Sơn Tây thuộc về vùng quê xứ Đoài, nên xe đài thường khởi động theo hoạt động xe tơ dệt lụa – một hoạt động nghề nghiệp truyền thống của người dân xưa kia.”
Ban Tổ chức cũng bày tỏ mong muốn Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội sẽ là đơn vị bảo trợ lâu dài cho Giải vật dân tộc toàn quốc tranh cúp Phùng Hưng. Từ nền tảng đó, Sơn Tây sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế địa phương để tổ chức các mùa giải sau có quy mô hoành tráng, lan toả nhiều hơn các giá trị văn hoá truyền thống của Thị xã nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung./.