Ra mắt sách “Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương”
Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - 2023, sáng ngày 20/4 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Nxb Kim Đồng tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt sách “Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương”.
“Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương” là artbook tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam kết hợp với những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác.
Cuốn sách bao gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. 35 tác phẩm văn chương dẫn lối bạn đọc đi đến các miền đất trên khắp dải đất hình chữ S. Đó là địa danh Côn Sơn trong những vần thơ Nguyễn Trãi, vẻ đẹp miền đất Tây Tiến qua những câu thơ của Quang Dũng, dáng hình của sông Đà qua ngòi bút Nguyễn Tuân... rồi còn biết bao vùng đất dấu trong những áng văn chương khác như: Qua đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Cảnh thiên nhiên xứ Nghệ (Đặng Thai Mai), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam)... Mỗi vùng đất qua ngòi bút văn chương mang cách nhìn, tình cảm, sự tưởng tượng và sáng tạo của mỗi tác giả.
Cùng với những trích đoạn, hội họa tiếp bước những áng văn để cho người đọc cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về những miền đất trên quê hương mình. Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác. Đó là những bức tranh phong cảnh màu nước hay acrylic, bột màu hay sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kĩ thuật số… Mỗi tác giả một phong cách: Trương Văn Ngọc lãng mạn, Chu Hồng Tiến ấn tượng, Vũ Xuân Hoàn ấn tượng… Tất cả hòa chung giai điệu ngợi ca vẻ đẹp Tổ quốc.
Chia sẻ với độc giả trong buổi giao lưu ra mắt sách, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh cho hay, nếu ở trong sách giáo khoa những trích đoạn thường được chọn là “phông nền” làm nổi bật cho nhân vật, thì ở trong cuốn sách này khi đặt song song cùng những bức tranh minh họa, người đọc sẽ có cảm giác như đang được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Cảm hứng nghệ thuật, giác quan thẩm mỹ xuất hiện, tạo nên một cách đọc khác. “Các đoạn trích trong cuốn sách mang đến cho bạn đọc sự mát mẻ, trong lành, tinh tế, khiến người đọc có cảm giác như được xoa dịu, được sống trong thiên nhiên. Và khi các trích đoạn được đặt cùng nhau tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật, một bức tranh thiên nhiên đất nước phong phú, đa dạng”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh nhận định.
Đại diện nhóm biên soạn sách cuốn sách, chị Quỳnh Liên chia sẻ: Bắt đầu từ những trích đoạn trong sách giáo khoa phổ thông đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ, nhóm biên soạn cũng đưa những vần thơ, áng văn viết về các nơi chốn khác. Một phần chúng tôi mong muốn tấm bản đồ cảnh sắc quê hương từ ngôn từ và tranh trong cuốn sách này thêm phong và rực rỡ, đồng thời cuốn sách này cũng có thể được sử dụng như tư liệu dạy và học – một gợi ý giúp giáo viên và học sinh tiếp cận tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông trong sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác./.
Dưới đây là một số trích đoạn và minh họa được giới thiệu trong cuốn sách: