Văn hóa – Di sản

Lễ hội chùa Láng - Lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội

Kim Thoa 11:02 20/04/2023

Vào tháng Ba âm lịch, một trong những lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội phải kể đến là Lễ hội Chùa Láng ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Láng (hay còn gọi là Chiêu Thiền tự) là một ngôi chùa cổ, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị danh sư nổi tiếng thời Lý.

30-3-1-le-hoi-chua-lang.png
Năm nay, Lễ hội chùa Láng diễn ra từ ngày 25 đến 27-4 (tức mùng 6 đến mùng 8 tháng Ba âm lịch)

Chùa Láng, tên chữ Hán (Chiêu Thiền Tự) là một ngôi chùa cổ ở làng Láng. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 - 1175) và từng được coi là ‘‘Đệ nhất tùng lâm’’ trên vùng đất phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa với diện tích 17.917m2.

Khuôn viên của chùa khá rộng, gồm quần thể các công trình kiến trúc được bố cục trên một trục chính đạo. Từ ngoài vào phải đi qua ba lớp cổng, khu sân chùa lát gạch Bát Tràng cổ, giữa sân có nhà Bát Giác, hai bên là hai dãy Dải Vũ song song. Kiến trúc chính của chùa được làm theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm tòa Tiền Đường, Phương Đình, Trung Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện. Hai bên Thượng điện có hai dãy Hành Lang, phía sau có nhà Chuông, nhà Khánh, khu thờ Mẫu, thờ Tổ, Tả - Hữu Mạc và khu vườn Tháp ở phía sau chùa.

Tương ứng với quy mô kiến trúc, hiện vật của di tích vô cùng phong phú và đa dạng gồm: văn bia, minh chuông, khánh, hoành phi, câu đối, cửa võng, sắc phong, tượng thờ…phản ánh quá trình tồn tại và phát triển của di tích qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau.

Năm 2023 (tức sau 70 năm), Lễ hội chùa Láng sẽ được phục dựng hoàn toàn nhằm tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa độc nhất vô nhị của đất và người vùng kẻ Láng thuộc kinh thành Thăng Long xưa.

Lễ hội chùa Láng diễn ra nhằm ngày mùng 7 tháng Ba âm lịch, để tưởng nhớ công ơn Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Lễ hội còn là sự kiện tôn vinh, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất cổ bên bờ sông Tô Lịch. Với những giá trị riêng có, từ năm 2019, lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm qua đó phát huy hơn nữa vai trò của di sản văn hóa đối với công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào trong các thế hệ.

Năm nay, Lễ hội chùa Láng diễn ra từ ngày 25 đến 27-4 (tức mùng 6 đến mùng 8 tháng Ba âm lịch) với nhiều nét mới, trong đó có việc phục dựng đầy đủ các nghi thức cổ xưa, đã không còn thực hành từ khoảng 70 năm trở lại đây. Đó là nghi thức tế lễ, rước kiệu thánh qua sông Tô Lịch (còn gọi là “độ hà”) và trình diễn “đấu thần”, diễn tả lại cuộc đấu giữa Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên. Cùng với việc phục dựng nghi thức truyền thống, Lễ hội chùa Láng sẽ tổ chức biểu diễn văn nghệ truyền thống, trải nghiệm trò chơi dân gian…

Kim Thoa