Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Liễu Giai (quận Ba Đình)

Sơn Dương (t/h) 15:15 18/04/2023

Di tích đình Liễu Giai trước kia thuộc Liễu Giai trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận. Hiện nay thuộc cụm 10 Liễu Giai, phường Liễu Giai, Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Thần tích kể rằng đình Liễu Giai là nơi tưởng niệm dũng sĩ họ Hoàng, một người con trai làng Lệ Mật (Gia Lâm) có công vớt xác công chúa được vua Lý ban cho đất, 13 làng trại ở phía tây kinh thành Thăng Long, đã đưa dân nghèo đến khai phá lập nghiệp. Khi mất, ông Hoàng Lệ Mật được tôn làm Thành hoàng, lập đền thờ ở quê nhà và Thăng Long. Tương truyền khi Hoàng Phúc Trung mất, vua sai dân Lệ Mật và các trại đưa về quê an táng, việc chưa thành thì thi hài của ngài đã được mối đùn thành mộ thiêng, dân làng lập đền thờ ngay cạnh khu lăng mộ của ông (còn gọi là lăng Thái tể), đó chính là tiền thân của đình Vĩnh Phúc còn tồn tại đến ngày nay. Cùng với các trại di tích đình, đền Liễu Giai cũng thờ Thái tể Hoàng phúc Trung. Các triều vua đời sau đều ban sắc phong thần.

Đình Liễu Giai là một quần thể kiến trúc văn hoá tín ngưỡng khá hoàn chỉnh, với một mặt bằng khá rộng rãi. Kết cấu trong từng nếp nhà vẫn bảo lưu được loại hình kiến trúc cổ. Hệ thống di vật gỗ chạm của đình rất phong phú như: kiệu, long ngai, hương án, cửa võng, đèn lồng... đã tôn thêm vẻ đẹp kiến trúc đình.

Đình Liễu Giai hiện còn bảo lưu được 01 đạo sắc phong có niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924). Trong đình còn nhiều di vật có giá trị văn hoá lịch sử cao như tượng thờ thần bằng gỗ với những nét chạm tinh tế tài nghệ, các đồ thờ tự như: chuông đồng, đỉnh đồng, lư hương, hoành phi, câu đối, bát bửu... hầu hết là những hiện vật mang nghệ thuật trang trí thế kỷ XIX, XX.

Hội đình Liễu Giai được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng âm lịch. Đình Liễu Giai đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)