Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình làng Cầu (huyện Mỹ Đức)

Sơn Dương (t/h) 08:51 17/04/2023

Đình Cầu tọa lạc trên khu đất đẹp của làng Cầu, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Đình trông về hướng đông nam, phía trước đình có hồ nước rộng. Từ đường vào là nhà Hữu mạc gồm 3 gian được xây theo kiểu tiền đao hậu đốc ba mái chảy, hai góc đao cong. Ở mỗi góc đao cong được đắp Makara (rồng lá) phía trong nhà Tả mạc với kiến trúc bộ vì theo kiểu “kèo kẻ quá giang” được bào trơn đóng bén. Bước lên Đại bái là bậc tam cấp được làm bằng đá. Đại bái đình gồm 5 gian nhà ngang làm kiểu tường xây, hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri cổ. Phía trước của tòa này có mở hệ thống cửa thượng song hạ bản ở ba gian giữa để thuận tiện cho việc sử dụng. Kết cấu chịu lực của tòa Đại bái được làm trên 4 hàng chân cột, các cột cái và cột quân đều được làm bằng gỗ, chân cột được làm bằng đá thắt cổ bồng có chiều cao là 35cm, rộng 33cm. Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ, bảy”. Nối từ thân cột cái ra đầu cột quân là một xà nách trên xà nách là cốn đặc được chạm khắc, thân rồng uốn mềm mại, bên dưới thân rồng một góc là cá chép hóa rồng đang trong tư thế chuyển động, góc kia là rùa trên lưng có đội lá sen, xen kẽ trong bức cốn còn có cỏ cây sông nước, chim đậu cành mai. Hai bộ vì gian bên được kết cấu thống nhất từ trên xuống dưới theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ, bảy”. Điêu khắc trên các con rường ở hai bộ vì này cũng đều được chạm hình rồng lá cách điệu, các bẩy của các bộ vì gian giữa và gian bên đều được chạm rồng tứ quý. Hai bộ vì sát đầu đốc được làm đơn giản theo kiểu “kèo kẻ”. Kế tiếp Đại bái là nhà muống gồm hai gian nhà dọc được nối bởi hai xà có quá giang kèo kẻ trụ lọc hai mái chảy lợp ngói ri cổ, bốn hàng chân cột cấu trúc rất đơn giản nhưng thanh thoát. Hậu cung gồm 3 gian làm bằng gỗ tứ thiết rất vững chắc theo kiểu tường xây đầu hồi bít đốc hai mái chảy nối liền với nhà muống. Ở gian giữa có mở hệ thống cửa bức bàn, bên trong là khám thờ. Các bộ vì đỡ mái tòa Hậu cung gian giữa được làm theo kiểu “chồng rường con nhị”, hai bộ vì tường hồi của Hậu cung được làm theo kiểu “kèo kẻ”. Phía ngoài mở hệ thống cửa bức bàn thời Lê, phía trên là cửa võng được trang trí rồng chầu mặt nguyệt, mây cụm vân xoắn... trên cửa võng là một bức hoành phi đề 4 chữ: Thánh cung vạn tuế.

Đình làng Cầu thờ Cao Sơn và Quý Minh làm Thành hoàng làng. Sử sách ghi: Hai ngài Sùng Công và Hiển Công đều là những người có tài có đức, nên được truyền kinh phò vua giúp nước. Lúc đó đất nước ta có giặc Thục xâm lược, vua phong cho hai ông làm Tả hữu đô đốc đài đại phu, hai ông đã giúp vua đánh tan quân xâm lược. Thắng trận về vua mở tiệc mừng công và tôn hai ông làm Cao Sơn đại vương Thượng đẳng thần và Quý Minh đại vương Thượng đẳng thần. Để tưởng nhớ công ơn của hai ngài nên nhân dân làng Cầu đã lập đình thờ và tôn hai ông làm Thành hoàng của làng.

Đình làng Cầu còn bảo lưu được: 6 đạo sắc phong, 1 quyển thần phả, 1 cỗ long ngai - bài vị nghệ thuật thế kỷ thứ XIX, 2 bộ kiệu thời Nguyễn, 1 kiệu bát cống thời Nguyễn, 1 kiệu rước văn thời Lê. Đặc biệt, còn một bộ cửa bức bàn ở cửa khám thờ có từ thời Lê được chạm khắc tứ quý và tứ linh.

Lễ hội ở đình làng Cầu được tổ chức trong 5 ngày từ mồng 7 đến 12 tháng giêng hằng năm.

Đình làng Cầu đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2003./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)