Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Lai Xá (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 15:30 17/04/2023

Đình Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Làng Lai Xá có tên nôm là làng Trôi Lại, ngày trước thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Xưa, làng có 2 ngôi đình là đình Nội (còn gọi là đình Đụn) và đình Ngoại (còn gọi là đình Quán). Trong thời gian tạm chiếm, thực dân Pháp đã phá đình Ngoại để xây bốt Lai Xá, dân làng thu gom hiện vật và rước vào tu sửa đình Nội mà nay gọi là đình Lai Xá.

Đình Lai Xá dựng trên khu đất cao giữa làng trong khuôn viên có tường lửng bao quanh, có nhiều cây cổ thụ và giếng nước. Cổng đình làm theo kiểu trụ biểu với 4 trụ, trong đó 2 trụ lớn ở giữa, trên đỉnh có 4 phượng chầu tạo hình hoa dành, 2 trụ nhỏ hai bên. Nối từ trụ nhỏ ra là bức tường lửng có trổ cửa cuốn vòm.

Qua cổng vào sân đình, bên phải có nhà Hội đồng 3 gian dựng năm 1936. Cuối sân là toà Tiền tế 3 gian 2 chái xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì làm thống nhất theo kiểu thức “quá giang cột trốn” đặt trên các trụ gạch và gỗ. Các bộ phận kiến trúc chủ yếu bào trơn đóng bén. Khi làng vào đám thì các bộ lão trong làng thường hội họp ở đây.

Đại bái gồm 3 gian với 4 mái đao cong đắp hoa lá cách điệu, trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, các bộ vì nằm trên 4 hàng chân cột gỗ tròn gắn kết với nhau bằng hệ thống kẻ, xà nách và bẩy hiện. Ở đây nhiều bộ phận kiến trúc chạm rồng, phượng, long mã, lân, hoa lá vẫn phảng phất bóng dáng đao mác nhưng không mềm mại. Kiểu thức này mang phong cách thế kỷ XVII.

Hậu cung 3 gian nhà dọc nối từ gian giữa Đại bái. Các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường” được ngăn đôi bởi hệ thống cửa bức bàn ở giữa và 2 cửa phụ ở hai bên. Phía trong cùng là cung cấm thờ Thành hoàng làng.

Hiện nay, đình Lai Xá còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như cuốn thần phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ hai (1572), sau được sao lại vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) và nhiều đạo sắc phong cùng 8 đôi câu đối, 3 bộ kiệu, 1 bộ long ngai bài vị, 2 bộ bát bửu, 1 nhang án và nhiều đồ tế tự bằng gốm, sứ. Ngoài ra, đình còn bảo tồn được 1 quả chuông vốn ở chùa Bảo Tháp trong làng đúc năm Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870).

Đình làng Lai Xá, thờ Thành hoàng làng là Trần Liễu, anh ruột vua Trần Thái Tông (1225 - 1258). Thần phả chép: Theo sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ, vợ Trần Liễu bị ép gả cho vua nên ông đã khởi binh chống lại triều đình. Năm 1234, Trần Liễu hành quân qua đất Lai Xá và dừng chân lập đồn trại, tuyển mộ binh lính. Năm 1239, vua Trần Thái Tông hối hận mời Trần Liễu hồi triều, phục lại chức tước, nhưng ông đã xin về quê dưỡng lão và được phong thực ấp ở vùng Yên Phụ (Hải Dương ngày nay). Ở đây, ông tuyển mộ những gia đình khắp nơi trong đó có làng Lai Xá. Ông xin miễn phu phen tạp dịch cho dân làng. Sau khi ông mất, Trần Liễu được nhân dân thôn Lai Xá tôn làm Thành hoàng làng.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)