Việt Nam nỗ lực để người dân tiếp cận vaccine Covid-19 sớm nhất

Tin tức - Ngày đăng : 15:01, 21/02/2021

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Việt Nam sẽ cố gắng trong năm 2021 người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ, sớm nhất để có thể tái khởi động nền kinh tế. Bằng những hành động cụ thể, quyết liệt trong phòng chống dịch, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine Covid-19 tương đối tốt.
Năm 2021, Việt Nam có 60 triệu liều vaccine Covid-19

Theo Bộ Y tế, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã ghi nhận 4 chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Cùng với các biện pháp phòng Covid-19 chủng virus mới, Việt Nam đã và đang nỗ lực có thể tiếp cận được vaccine Covid-19 sớm nhất.
Đặc biệt, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế tích cực, khẩn trương phối hợp với các tổ chức, với các đơn vị sản xuất vaccine để đàm phán sớm có vaccine. Theo Bộ Y tế, ước tính trong năm 2021, để bảo đảm tiêm đủ cho dân số Việt Nam phải lên tới 150 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã đàm phán với COVAX và đơn vị này đã cam kết sẽ cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021, dành cho 6 tháng cuối năm. Bộ Y tế cũng đã tiến hành cam kết với AstraZeneca là 30 triệu liều. Như vậy, tổng số trong năm 2021, Việt Nam có 60 triệu liều. Qua đó, có thể thấy Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine Covid-19 tương đối tốt. “Việc sử dụng vaccine Covid-19 phải tuân thủ đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quy định pháp luật có liên quan trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đương nhiên ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ caonhư: Nhân viên cảng hàng không, tiếp viên, các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch"-Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nhấn mạnh việc nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời, Việt Nam thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước. Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước. Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới, chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra…
Rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vaccine “made in Việt Nam”
Cùng với đẩy mạnh hợp tác, đàm phán nguồn vaccine phòng Covid-19 từ bên ngoài, Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 "made in Việt Nam". Với vaccine Nano Covax, bước đầu các chuyên gia đánh giá, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang-Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đến nay, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tiêm mũi thứ 2 và lấy máu 7 ngày sau tiêm mũi 2 để đánh giá tính sinh miễn dịch cho 60 tình nguyện viên được tiêm ở 3 mức liều: 25mcg, 50mcg và 75mcg. Với kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm, vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi. Biểu hiện như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm đều nằm trong dự đoán; đều tự khỏi, không cần can thiệp thuốc hoặc các biện pháp y tế khác. Hiệu quả kháng thể tăng gấp 4 lần, đáp ứng 90% khả năng trung hòa của kháng thể với virus.
Để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại 2 điểm cầu: Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh (cùng tham gia vào nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Qua tính toán sơ bộ ban đầu, việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng.
Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 đối tượng tại Bến Lức, tỉnh Long An.  Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.
Với tiến độ triển khai như hiện nay, Bộ Y tế hy vọng, Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3.“Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vaccine Nano Covax "made in Việt Nam" phòng Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình…”- Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho hay.
Cùng với vaccine Nano Covax, tiến độ sản xuất vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế và vaccine của Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Liên quan đến vấn đề vaccine, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam đã và đang nỗ lực có thể tiếp cận được vaccine Covid-19 sớm nhất. Tuy nhiên, trước biến chủng SARS-CoV-2 đang hoành hành, chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang. Việt Nam có kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn tốt các ổ dịch trước đây. Biện pháp phòng dịch quan trọng nhất hiện nay, đó là người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế".
Song song với việc chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai tiêm vaccine Covid-19, các quốc gia cần tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng phòng chống dịch và nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế nhằm đảm bảo khống chế dịch thành công, đặc biệt trong bối cảnh biến thể mới của SARS-COV-2 đang lưu hành hiện nay.
PGS.TS Trần Thị Giáng Hương-Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của WHO, Điều phối viên WHO khu vực Tây Thái Bình dương về vaccine Covid-19

KTĐT