Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 3 - Lòng tham, lợi nhuận và nhân cách

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:17, 03/07/2022

"Tranh chép thì luôn luôn và mãi mãi là tranh chép, bởi nó có cái gì đó ngô nghê, cái thô kệch, nó không thể toát lên được tất cả cái hồn, cái nội dung của người tạo ra bản gốc" - Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân.
Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 - "Chuyện thường ngày ở huyện"?

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 2 - Ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng

Để hiểu rõ hơn về vấn nạn chép tranh và tham khảo các giải pháp nhằm hạn chế vấn đề này, PV Arttimes.vn đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân – người được các họa sĩ trong giới gọi là "Dân dây điện". 

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 3 - Lòng tham, lợi nhuận và nhân cách - 1

Góc thưởng trà của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

Chép tranh không xấu, trục lợi mới xấu

PV: Xin anh cho biết nguồn gốc của việc chép tranh? 

Trước hết, tôi xin làm rõ về vấn đề chép tranh, về mặt lịch sử chép tranh đã có từ rất lâu rồi, từ Âu sang Á đều có. Hiện nay, cả trong và ngoài nước, ở các trường đào tạo mỹ thuật đều có mở những những khoá học chép tranh.

Việc chép tranh thường được các sinh viên trong ngành mỹ thuật hoặc các họa sĩ thực hiện nhằm mục đích trong sáng như học tập, nghiên cứu hay họ chép vì yêu thích tác phẩm gốc. Nhưng chép để học khác với chép để trục lợi, bởi dần dần sau này ngoài những mục đích trong sáng, việc chép tranh bị thất thoát, nảy sinh ra những vấn đề tiêu cực, rồi trở thành vấn nạn trong ngành mỹ thuật.

Luật chép tranh cũng đã được đưa ra rõ ràng, bản sao chép phải có kích thước khác với tác phẩm gốc, phải giữ đúng nội dung, hình thức như tác phẩm gốc, phải có chữ ký của người sao chép dưới chữ ký tác giả.

Chép tranh rất dễ mà cũng rất khó, nó dễ khi sao chép theo kiểu gần giống, na ná bản gốc nhưng người chuyên môn nhìn vào sẽ phát hiện ra ngay. Còn chép tranh khó khi đối tượng bị nhắm đến là các họa sĩ có kỹ thuật cao, đặc sắc như vẽ tranh trên lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, hay các thể loại tranh sơn mài, sơn dầu của các họa sĩ thời Đông Dương.

Còn vấn đề chép theo phong cách, hay nhái phong cách là hình thức tinh vi hơn chép tranh thông thường, là lấy ý tưởng, phong cách của một họa sĩ nào đó nhưng có qua xử lý, cố gắng làm khác hơn so với bản gốc. Dạng nhái phong cách này rất khó chứng minh, khó xử lý và cũng rất khó kiện tụng.

Tranh chép thì luôn luôn và mãi mãi là tranh chép, bởi nó có cái gì đó ngô nghê, cái thô kệch, nó không thể toát lên được tất cả cái hồn, cái nội dung của người tạo ra bản gốc.

Vấn đề quan trọng nhất của chép tranh theo tôi là sự nhận thức đúng, sự trung thực và sự tử tế của người chép. Người chép phải giữ được ý định trong sáng ban đầu của mình, phải trung thực khi đối diện với tác phẩm gốc và phải tử tế với người họa sĩ sáng tạo nên tác phẩm đó bằng việc xin phép, hỏi han hay được cấp quyền trước khi thực hiện chép.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 3 - Lòng tham, lợi nhuận và nhân cách - 2

Một bối cảnh “rất Dân” trước nhà của họa sĩ

Lòng tham, lợi nhuận và nhân cách

PV: Theo anh, nguyên nhân của việc sao chép tranh, đạo nhái ý tưởng là gì?

Một họa sĩ chuyên nghiệp, sống được bằng nghề, được đào tạo bài bản thì không bao giờ chép tranh để trục lợi cả, bởi họ có lương tâm nghề nghiệp. Danh dự nghề nghiệp, lòng tự trọng nghề nghiệp giúp họ xây dựng cách sống trọng tinh thần nghệ thuật.

Thậm chí, tinh thần nghệ thuật còn thể hiện cao độ hơn nữa ở các họa sĩ chân chính, họ còn không bao giờ chép tranh của chính mình.

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu khiến một số đối tượng thực hiện hành vi chép tranh là vì lòng tham, vì lợi nhuận và vì nhân cách. Xuất phát từ lòng tham mong muốn có lợi nhuận ngay mà không cần bỏ ra nhiều công sức, không cần nhiều sáng tạo, cộng thêm cả nhân cách không đẹp, lương tâm nghề nghiệp xuống cấp dẫn đến vấn đề một số đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi chép tranh để trục lợi.

Không họa sĩ nào vui vẻ khi tranh của mình bị chép

PV: Theo anh, đối tượng họa sĩ nào sẽ dễ bị chú ý đến nhằm thực hiện các hành vi chép tranh hay đạo nhái phong cách? Anh đã từng biết hay chứng kiến vụ việc nào chưa?

Hiện nay có rất nhiều họa sĩ đã bị chép tranh mà không có sự xin phép, một họa sĩ hay, một họa sĩ có uy tín, có tên tuổi sẽ dễ bị các đối tượng chú ý đến nhằm thực hiện mục đích chép tranh, điều này là đương nhiên. Và có một điều chắc chắn là không một họa sĩ nào vui vẻ khi thấy tranh của mình bị chép cả.

Ngay chính tôi cũng từng phát hiện tranh của mình bị chép và họ ngang nhiên treo bán ở nhiều nơi như phố hàng Bông, hàng Bè và cả trong miền Nam cũng có. Nhiều sự việc tôi chứng kiến họ làm khá tinh vi, họ chép tranh của tôi bán cho người nước ngoài nhưng họ không ký, hoặc khi có khách mua họ mới ký, hoặc thậm chí có trường hợp họ ký tên người khác vào.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 3 - Lòng tham, lợi nhuận và nhân cách - 3

"Phố" (2014) - Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

Phải lên tiếng, phải phản ánh cái xấu

PV: Xin anh hãy đưa ra một số biện pháp để hạn chế vấn nạn chép tranh, nhái phong cách tranh?

Về mặt đưa ra giải pháp cho vấn đề này, theo tôi nên có sự kết hợp của nhiều ban ngành, tổ chức cũng như của từng hội nhóm và từng cá nhân họa sĩ.

Thứ nhất, tôi đặt kỳ vọng và đề cao vai trò của các cơ quan chức năng, các cơ quan luật pháp trong việc ban hành các quy định và xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả tác phẩm. Theo tôi, sự vào cuộc của các ban ngành chức năng là quan trọng nhất, phải thực hiện kiên quyết, xử phạt nghiêm minh với các hành vi sai phạm để bảo vệ quyền cho những người lao động nghệ thuật.

Thứ hai, các họa sĩ phải lên án cái xấu, cái hạn chế này, đừng giữ yên lặng mà hãy có những hành động kiên quyết hơn, có thể bàn bạc với các anh em trong giới để tìm ra phương án hiệu quả nhằm hạn chế tối đa nhất vấn nạn này. Mình bảo vệ mình, bảo vệ đồng nghiệp của mình và giá trị nghề nghiệp của mình.

Thứ ba, đối với cá nhân từng họa sĩ, theo tôi mỗi người cần luôn luôn có trách nhiệm với tác phẩm của mình, hãy chọn chất liệu tốt nhất có thể, từ toan, từ màu, bởi vì sự chuẩn bị chu đáo này như đặt một nền móng vững chắc cho một ngôi nhà, sẽ giúp những bức tranh được bảo quản lâu hơn với thời gian. Hoặc ghi dấu ấn trên tác phẩm bằng những cái rất riêng của mình, để các đối tượng muốn thực hiện hành vi chép, nhái phải kiêng nể, e sợ.

Sử dụng triệt để công nghệ mạng, sự lan truyền thông tin mạng để tố cáo cũng là một phương án nên thực hiện. Nếu anh biết ở đâu đó sử dụng tranh chép trái phép, anh nghi ngờ một bức tranh là nhái phong cách, anh có thể chụp lại làm chứng cứ để thông tin cho nhiều người cùng biết. Đây tuy là biện pháp trước mắt nhưng lại rất hiệu quả cho việc cảnh báo cho ý thức bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và đề cao việc tôn trọng chủ quyền tác giả, tác phẩm.

PV: Đã từ rất lâu vấn nạn đạo nhái không chỉ nổi lên ở trong ngành mỹ thuật mà trong các ngành nghệ thuật khác như thơ ca, âm nhạc, phim ảnh cũng xuất hiện nhiều trường hợp tạo nên những bức xúc lớn trong giới văn nghệ sĩ và dư luận. Anh có cho rằng đây là biểu hiện của sự cạn kiệt ý tưởng hay không?

Có một điều quan trọng như thế này: Giá trị cuối cùng mà người làm nghệ thuật muốn đọng lại là sự tử tế. Làm gì cũng thế, làm nghệ thuật lại càng phải thế, theo tôi việc hướng đến sự tử tế là thực hiện trách nhiệm với công việc của mình, với tác phẩm của mình và với chính bản thân mình.

Tôi cho rằng, cái lý do chép tranh vì cạn kiệt ý tưởng, không còn cảm xúc xảy ra không nhiều với người làm nghệ thuật, bởi vì người làm nghệ thuật chân chính họ chịu thay đổi lắm. Hoặc nếu không thay đổi hoàn toàn ngay được, những người như họa sĩ chúng tôi sẽ tiếp tục làm theo ý tưởng ban đầu nhưng ở tác phẩm phía sau là sự kế thừa, phát triển, là kết quả của sự tìm tòi trong tác phẩm trước đó.

Việc xuất hiện ý tưởng đối với chúng tôi giống như việc các anh thợ đào giếng, càng đào sâu thì càng phát hiện ra nguồn nước trong, nguồn nước tốt.

Là họa sĩ, chúng tôi cảm sẽ cảm thấy bức xúc khi tranh của mình bị chép tùy tiện nhưng còn có một điều tối kỵ hơn, đáng sợ hơn, mà chúng tôi không bao giờ muốn gặp phải đó là tự chép tranh của mình. Chúng tôi luôn đặt ra cho mình những nguyên tắc, không ngừng tạo ra những cảm xúc sáng tạo mới để không phạm phải sai lầm này.

Việc sao chép bên ngoài kia sẽ có pháp luật xử lý, cộng đồng lên án, nhưng việc lặp lại chính mình thì chẳng có ai ngoài lương tâm, ngoài sự tự vấn với chính mình. Các họa sĩ nên vẽ cho mình nhiều chặng đường mới để thay đổi, phải dấn thân, phải rời bỏ vùng an toàn để vượt qua những giới hạn của mình, để tìm đến những thử thách mới, những sáng tạo mới, bởi sáng tạo không ngừng mới là nghệ thuật.

Trong quá trình làm việc phải luôn luôn tìm cho mình những ý tưởng mới. Người họa sĩ luôn cần làm mới mình thì những khán giả của mình, những người theo dõi quá trình làm nghệ thuật của mình họ sẽ thấy thú vị bởi họ nhận thấy người họa sĩ của mình luôn sáng tạo và không đi lại những con đường đã đi.

Xin cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn với Arttimes.vn! 

Arttime