Góp phần phát huy dân chủ trong bầu cử

Tin tức - Ngày đăng : 16:46, 25/02/2021

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ Việt Nam các cấp là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định.
Đây là khâu quan trọng để có danh sách chính thức những người ứng cử ĐB Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021. Đó là vấn đề được lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh trong các cuộc tập huấn, thông tin đang được tổ chức.
6 nhiệm vụ chính
Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ T.Ư đến địa phương nói riêng. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai các bước theo quy định, triển khai các nội dung của Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp; hướng dẫn triển khai các nội dung của hệ thống MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử…
Theo quy định của pháp luật, MTTQ Việt Nam tham gia công tác chuẩn bị bầu cử với 6 nhiệm vụ chính, thể hiện vai trò phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Trong đó, phối hợp cùng với cơ quan Nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp. Chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND.
Chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử.
Cùng với đó, chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Đồng thời, tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử và thực hiện quyền giám sát.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, MTTQ các cấp hiện đã nắm chắc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bầu cử. Ban Thường trực T.Ư MTTQ Việt Nam đã ban hành đầy đủ các Thông tri hướng dẫn rất cụ thể về các quy định liên quan công tác nhân sự, tuyên truyền, giải quyết khiếu nại, tố cáo… để MTTQ các cấp thực hiện.
Đề cao vai trò giám sát
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, từ thực tiễn công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp trong thời gian qua, để góp phần thành công cuộc bầu cử, MTTQ các cấp cần quan tâm chuẩn bị chu đáo, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật các bước trong quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; bảo đảm về tiêu chuẩn đồng thời đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, thành phần, số lượng.
Phối hợp với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan làm tốt việc tuyên truyền, giải quyết những vướng mắc, thắc mắc của người ứng cử, của cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Đây là tiền đề quan trọng, quyết định đến chất lượng ĐB, thành công của cuộc bầu cử.
Cùng với đó, MTTQ các cấp phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương; tăng cường trao đổi dân chủ để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn đã quy định, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Một vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh đề góp phần mang lại thành công cho cuộc bầu cử là công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào 9 nội dung. Như Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đã thông tin, MTTQ Việt Nam các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát bầu cử cần bám sát các quy định. Bên cạnh đó, việc giám sát phải có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan. Phát huy các hình thức giám sát theo quy định của pháp luật và vai trò giám sát của Nhân dân, đại diện các tổ chức cùng cơ quan báo chí.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát hiện những việc làm chưa đúng quy định hay hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải thông tin, phản ánh, kiến nghị kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, khắc phục ngay, không tự ý xử lý những vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp.

"Việc tham gia công tác bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống MTTQ từ T.Ư đến địa phương. Trong khoảng thời gian cao điểm này, MTTQ các cấp vừa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vừa phải thực hiện kiểm tra, giám sát. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát hiện những việc làm chưa đúng quy định, hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban MTTQ các cấp phải thông tin, phản ánh, kiến nghị kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, khắc phục ngay." - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

KTĐT