Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Khương Thượng (quận Đống Đa)

Sơn Dương (t/h) 13:25 15/04/2023

Đình Khương Thượng là ngôi đình lớn nằm giữa khu dân cư đông đúc ở phố Khương Thượng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đình có từ rất sớm, được dựng lại vào năm 1772 và được trùng tu nhiều lần vào thời Lê, Nguyễn. Sau này, đình lại được tu bổ, nâng cấp vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Theo thần tích từ ngọc phả, thuở mới lập làng, tại gò con Quy (cạnh trụ sở UBND phường Khương Thượng, giáp đường Trường Chinh hiện nay), vào đêm 12 tháng 2 âm lịch, có ánh hào quang chiếu rọi vào, khiến cho người và muôn vật ốm đau, cảnh tượng tiêu điều xơ xác. Vì vậy, dân làng dựng lên đây một miếu thờ (gọi là miếu Quy Sơn) để hương khói, tế lễ, cầu cho dân làng sức khoẻ, mùa màng tươi tốt.

Đến đời Cao Biền sang đô hộ đã phong tặng vị thần này các mỹ tự “Phổ hoá, Hoằng tĩnh, Chiêu Cảm” (với ý nghĩa là phổ độ, vấn an, thu phục). Sang thời Lý, vua Lý Thái Tổ khi đắp thành Đại La đã ngự giá vào miếu nghỉ qua đêm và mộng thấy thần mách bảo nên mới đắp được thành.

Đến thời Lê, trong nước giặc giã nổi lên quấy phá. Nhà vua đã ngự giá tới miếu Quy Sơn để mật trình. Nhờ thế, việc dẹp giặc mới xong. Vua Lê đã cấp cho làng 7 mẫu ruộng công điền để làm ruộng thờ thần. Thần miếu Quy Sơn về sau được tôn thờ làm Thành hoàng làng Khương Thượng, được thờ ở đình và được ban 20 đạo sắc (từ năm 1642 đến 1924) của các triều Lê, Nguyễn, với thần hiệu “Thượng đẳng thần Phổ hoá, Hoằng tĩnh, Chiêu cảm”.

Hiện nay đình còn bảo lưu các công trình kiến trúc: Phương đình, Đại đình có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao. Qua sân là phương đình hình vuông, 2 mái, góc có trụ lửng chạm hình hoa sen. Các con rường tạo thành bức cốn chạm khắc hổ phù, rồng mây khá đẹp. Tiếp giáp với Phương đình là Đại đình, xưa kia gồm 9 gian, nay đã bị hư hỏng và bị lấn chiếm một phần. Với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội và sự công đức của nhân dân, đại đình đã được trùng tu vào những năm 2005 - 2006, vẫn giữ nguyên vẻ bề thế của ngôi đình cũ.

Đình Khương Thượng còn lưu giữ được nhiều di vật quý như hoành phi, câu đối, nhang án và tấm bia đá niên hiệu Khải Định thứ 8 (1924) ghi lại việc sửa chữa đình.

Đình Khương Thượng là một kiến trúc cổ, hài hoà với không gian cây xanh, hồ nước, tạo thành một khung cảnh đặc sắc ở giữa lòng thủ đô Hà Nội. Lễ hội đình Khương Thượng được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng hai âm lịch. Ngoài phần lễ, hội có các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá, văn nghệ.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)