Đình Khê Bộ (huyện Mỹ Đức)
Đình được làm từ thời Minh Mạng quay hướng tây nam, được bố cục theo kiểu chữ “đinh”.
Tòa Đại bái ở ngoài, Hậu cung nối dọc từ gian giữa Đại bái vào thành chuôi về phía sau. Phía trước Đại bái có sân rộng lát gạch, bên trái là đường đi vào đình còn bên phải có cây xanh sum suê toả bóng mát xuống sân đình và ao. Đại bái gồm 5 gian nhà ngang làm kiểu tường xây, hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Phía trước của tòa nhà này để thông thoáng không làm hệ thống cửa. Kết cấu chịu lực của tòa Đại bái được làm trên 4 hàng chân cột, các cột cái thì được làm bằng gỗ còn cột quân được làm bằng đá xanh vuông có chiều ngang là 23cm, đứng trên chân cột cũng bằng đá được làm thắt cổ bồng có chiều cao là 40cm, rộng 38cm. Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng chồng rường hạ cốn mê, bẩy”. Ba con rường trên thì được chạm khắc hình rồng, lá cách điệu. Các bức cốn mê bên dưới được chạm nổi và bong kênh theo tích tứ linh, trung tâm của bức cốn là một con rồng lớn, thân rồng uốn lượn như đang múa. Xen kẽ trong bức cốn là hoa sen và cỏ cây sông nước. Hai bộ vì gian bên được kết cấu thống nhất từ trên xuống dưới theo kiểu “chồng rường, bẩy”. Điêu khắc trên các con rường ở hai bộ vì này cũng đều được chạm hình rồng lá cách điệu. Các bẩy của các bộ vì gian giữa và gian bên được chạm rồng và tứ quý. Hai bộ vì sát đầu đốc được làm đơn giản theo kiểu “kèo kẻ”. Hậu cung là hai gian nhà dọc nối liền với Đại bái. Bộ vì thứ nhất có kết cấu theo kiểu “thượng ván mê, hạ cốn mê” chạm lưỡng long chầu nguyệt, phía trên mặt nguyệt là chóp đỡ thượng lương. Hai bức cốn mê bên dưới được chạm nổi giả bong kênh theo tích tứ linh. Bộ vì thứ hai cũng được làm tương tự như bộ vì thứ nhất nhưng ở phần ván mê bên dưới chạm rồng và bên trên chóp đỡ thượng lương chạm hổ phù.
Đình Khê Bộ thờ hai vị tướng là Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương thứ 18. Bấy giờ, có hai anh em họ Nguyễn đã lập gia đình nhưng mãi vẫn hiếm muộn con, ngày xuân họ đi chơi trên núi Tản Lĩnh và gặp một vị tiên ban phúc. Ít lâu sau, vợ chồng người anh sinh được một người trai và đặt tên là Nguyễn Tuấn, còn người em sinh được hai người con đặt tên là Sùng Công và Hiển Công. Đến năm 17 tuổi thì cha mẹ đều chết cả. Sau khi chôn cất và để tang 3 năm, anh em cùng nhau lên núi và làm con nuôi bà Thần họ Ma.
Sử sách còn ghi lại hai ông Sùng Công và Hiển Công đều là những người có tài có đức, nên được kinh phò vua giúp nước. Lúc đó đất nước ta có giặc Thục xâm lược, vua phong cho hai ông làm Tả hữu đô đốc đài đại phu, hai ông đã giúp vua đánh tan quân xâm lược. Thắng trận về, vua mở tiệc mừng công và tôn hai ông làm Cao Sơn đại vương thượng đẳng thần và Quý Minh đại vương thượng đẳng thần. Nhân dân làng Khê Bộ đã lập đình thờ và tôn hai ông làm Thành hoàng của làng.
Đình Khê Bộ còn bảo lưu được một số vật quý: 1 đôi nghê sứ men lam thời Lê ngồi trên bệ hình chữ nhật, 1 bộ kiệu bát cống thời Nguyễn, 1 bát hương thổ Hà, 2 bệ để đài nước sơn son thếp vàng rất đẹp được làm ba tầng. Tầng thấp nhất được làm 4 chân quỳ phía trước chạm mặt hổ phù, tầng thứ hai chạm lưỡng long chầu nguyệt, tầng trên cùng chạm xung quanh diềm cánh sen. Hai bát hương sứ thời Nguyễn được đặt trên hai đế gỗ có sơn thếp, bát hương có hình lưỡng long chầu nguyệt, 1 quyển thần phả, 2 cánh cửa bức bàn thời Lê có chạm khắc sâu hình nghe và hình rồng, 9 đạo sắc phong.
Lễ hội làng Khê Bộ được tổ chức vào ngày 6 tháng ba âm lịch hằng năm. Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01