Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Khang Cát (huyện Mỹ Đức)

Sơn Dương (t/h) 16:00 14/04/2023

Thôn Khang Cát thường gọi là làng Cát, giáp Ba, thuộc xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Từ buổi ban đầu làng chỉ có ba dòng họ đó là Lê, Đinh và Nghiêm. Về sau này làng có thêm bốn dòng họ nữa về đây sinh sống là họ Nguyễn, Hà, Trần và Vũ. Đình gồm Đại bái, Trung cung và Hậu cung tạo thành chữ “tam”. Tòa Đại bái được làm 5 gian hai mái chảy, đầu hồi bít đốc lợp ngói ri cổ. Trên nóc tòa này có đắp lưỡng long chầu nguyệt. Vào bên trong kết cấu của Đại bái được đứng trên 4 hàng chân cột. Kết cấu của 4 bộ vì gian giữa và 2 gian bên được làm theo thể thức “thượng chồng rường, hạ cốn mê, bẩy”. Rường áp sát câu đầu được cắt bỏ đoạn giữa đi để biến thể thành con nhị, đầu các con rường đều được chạm khắc hình rồng lá cách điệu. Nằm sát phía dưới câu đầu là các đầu dư được chạm khắc bong kênh hình đầu hai con rồng miệng rộng, mắt lồi, mũi hếch đạo mác xuôi về phía thân. Các bức cốn mê bên dưới được chạm nổi và bong kênh hình tứ linh, trung tâm bức cốn là một con rồng lớn, thân rồng uốn lượn như đang múa, phía trên là con phượng cánh xoè ra hai bên đầu ngẩng cao, phía bên dưới thân rồng là con long mã trong tư thế chuyển động, đối diện bên kia là cá chép. Xen kẽ trong bức cốn là hoa sen và cỏ cây sông nước. Ở các bức cốn này có cắt khấc để đỡ các con hoành. Trung cung là 3 gian nhà ngang được nối liền với Đại bái bằng một hành lang. Tòa này được làm theo thể thức hai mái chảy đầu hồi bít đốc. Bốn bộ vì bên trong được làm theo kiểu “kèo kể”. Nối liền với Trung cung là Hậu cung cũng được làm 3 gian nhà ngang và có kết cấu như tòa Trung cung. Trong Hậu cung ở gian giữa có đặt một bệ thờ. Tiếp theo đó là một khám thờ được bưng kín xung quanh để long ngai và tượng Thành hoàng. Khám được đặt trên 4 cột đá có chiều cao là 1,1m.

Đình Khang Cát thờ Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương thứ 18. Bấy giờ, có hai anh em họ Nguyễn đã lập gia đình nhưng mãi vẫn hiếm muộn con. Ngày xuân họ đi chơi trên núi Tản Lĩnh và gặp một vị tiên ban phúc. Ít lâu sau, vợ chồng người anh sinh được một người con trai và đặt tên là Nguyễn Tuấn, còn người em sinh được hai người con đặt tên là Sùng Công và Hiển Công. Đến năm 17 tuổi thì cha mẹ đều chết cả. Sau khi chôn cất và để tang 3 năm, anh em cùng nhau lên núi và làm con nuôi bà Thần họ Ma.

Sử sách còn ghi lại hai ông Sùng Công và Hiển Công đều là những người có tài có đức, nên được truyền kinh phò vua giúp nước. Lúc đó đất nước ta có giặc Thục xâm lược, vua phong cho hai ông làm Tả hữu đô đốc đài đại phu, hai ông đã giúp vua đánh tan quân xâm lược. Thắng trận về vua mở tiệc mừng công và tôn hai ông làm Cao Sơn đại vương thượng đẳng thần và Quý Minh đại vương thượng đẳng thần. Để tưởng nhớ công ơn của hai ngài nhân dân làng Khang Cát đã lập đình thờ và tôn hai ông làm Thành hoàng của làng.

Đình Khang Cát còn bảo lưu được một số vật quý: Tượng thờ. Tượng được tạc trong tư thế ngồi, đầu đội mũ cánh chuồn, phía trước có cẩn lưỡng long chầu nguyệt, hai tay đặt trên đầu gối, tay, phải cầm hốt lệnh chỉ. Mình mặc áo có cẩn rồng, mây và hổ phù, áo có đai trước bụng, các nếp áo rủ mềm, chân đi hia. 1 bộ kiệu bát cống, 2 bộ kiệu song hành, 1 thần phả, 3 đạo sắc phong, 2 bát hương sứ thời Nguyễn.

Lễ hội làng Khang Cát được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Đình Khang Cát đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 2003./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)