''Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam...''

Tin tức - Ngày đăng : 10:13, 04/03/2021

Văn học nghệ thuật là tinh hoa của văn hóa thẩm mỹ cũng như của văn hóa nói chung. Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc ta, văn học nghệ thuật đã góp phần hun đúc làm nên một truyền thống văn hóa giàu bản sắc. Đó là nền văn học nghệ thuật rất giàu lòng yêu nước, đậm chất nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành động lực nội sinh, góp phần trực tiếp, to lớn vào sự trường tồn của dân tộc. Vì vậy mà, ngay từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định văn hóa, văn học nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, có sức mạnh đặc biệt to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.

''Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam...''
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Đảng Đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành - năm 2013. Ảnh tư liệu.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, trong các thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, nền văn học nghệ thuật cách mạng nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Đông đảo văn nghệ sĩ đã trực tiếp tham gia “vừa cầm bút vừa cầm súng” xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Sự dấn thân đó, như lời Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong bài phát biểu trong Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, ngày 25/7/2018, là đã “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì độc lập, tự do, vì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và khát vọng chủ nghĩa xã hội”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong bài phát biểu tại Đại hội X Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, ngày 14/1/2021, diễn ra ngay trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã đánh giá rất cao vai trò của văn học, nghệ thuật nước nhà: “Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tự nguyện dấn thân nơi tuyến lửa, vượt mọi gian lao, thử thách, sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình để viết nên những bản hùng ca vượt thời gian, kịp thời cổ vũ, nhân lên sức mạnh của toàn dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết đất nước”.

Phát huy truyền thống vẻ vang trong các cuộc kháng chiến, bước vào kỷ nguyên hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn học nghệ thuật đã nhanh chóng bắt nhịp, góp phần to lớn cùng với Đảng và nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới có ý nghĩa lịch sử sâu sắc từ năm 1986 đến nay. Sau hơn 30 năm cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, văn học nghệ thuật được đánh giá là “… đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, bước đầu tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trong đó, một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên sự phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hóa về nội dung và phương thức biểu hiện... Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” .
***
''Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam...''
Liên hoan múa rồng tại Hà Nội

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ 25/1 - 1/2/2021) mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đại hội tiến hành tổng kết 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Đồng thời, Đại hội nêu tầm nhìn, định hướng, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Nhằm đạt mục tiêu trên, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Phát triển văn học nghệ thuật nằm trong nhiệm vụ trọng tâm thứ tư: Về văn hóa, xã hội, con người, nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”. Tầm nhìn, phương hướng, mục tiêu phát triển đất nước theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng đặt ra đối với văn học nghệ thuật cần phải vươn lên “ngang tầm” với đòi hỏi cao của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, góp phần thực thiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, văn học nghệ thuật Việt Nam đã và đang tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những vấn đề chủ yếu.

Trước hết, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật các cấp tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa xã hội; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, đặc biệt chú trọng quán triệt thấm nhuần quan điểm, chủ trương Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa nghệ thuật trong phát triển văn hóa - xã hội, để văn hóa thực sự là động lực nội sinh của sự phát triển kinh tế - xã hội.

''Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam...''
Hơn nữa, thực hiện cụ thể quan điểm, chủ trương Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc lần thứ X về phát triển văn hóa nghệ thuật thành các chủ trương, kế hoạch, giải pháp cụ thể và tổ chức triển khai kịp thời trong thực tiễn. Quá trình cụ thể hóa, thực hiện Chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phải vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng” , các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đã luôn đặt văn học nghệ thuật trong tổng thể chiến lược, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; thể hiện rõ tầm nhìn và sứ mệnh, tạo khâu đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Mặt khác, đội ngũ đông đảo các văn nghệ sĩ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thể hiện rõ tinh thần phấn khởi, tin tưởng vào sự thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XIII; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng với những chủ trương, quyết sách chiến lược đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời kỳ mới. Với tinh thần đó, đông đảo các văn nghệ sĩ thể hiện niềm tin, ý chí quyết tâm phát huy những thành tựu đạt được của nền văn học nghệ thuật cách mạng qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, đi vào thực tiễn, say mê sáng tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển toàn diện con người, để văn hóa thực sự là động lực nội sinh của sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Đó là những dấu hiệu đáng mừng, báo trước “mùa bội thu” của văn học nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Để có được “mùa bội thu” văn học nghệ thuật, rất mong Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm tạo môi trường điều kiện thuận lợi hơn cho văn học nghệ thuật phát triển, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trên các mặt như: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật; kịp thời thể chế hóa đường lối, quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, bao hàm phát triển lĩnh vực văn học nghệ thuật phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh mới. Quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của văn nghệ sĩ; có cơ chế, chính sách phù hợp hơn với xuất bản, phát hành, quảng bá các sản phẩm văn học, nghệ thuật.

Cùng với đó, cần chú trọng đẩy mạnh chất lượng hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; tạo đột phá trong đào tạo, sử dụng các cây bút lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, nhất là những tài năng trẻ. 

Mặt khác, cần bồi dưỡng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ có định hướng trong nhận thức giá trị văn học nghệ thuật. Qua đó góp phần bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức, lối sống, nâng cao tính tích cực sáng tạo; góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

PGS.TS Hà Nguyên Cát