Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Hiệp Phù (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 08:30 14/04/2023

Đình Hiệp Phù thuộc thôn Hiệp Phù, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trước đây, Hiệp Phù còn có tên là xã Thôn Tố, nên đình còn được gọi là đình Thôn Tố.

Nằm trong vùng đất có bề dày lịch sử, đình Hiệp Phù được khởi dựng từ rất sớm, là nơi tưởng niệm thần Bạch Sam - vị thần đã có đóng góp lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm thời Hùng Vương thứ 6.

Theo truyền thuyết ở địa phương, thì trước đây đình Hiệp Phù là một ngôi đình nhỏ, mái lợp rơm rạ. Trải qua thời gian đình bị cháy, nhân dân trong thôn đã xây dựng lại ngôi đình như hiện nay. Tuy không còn lưu giữ được một tài liệu thành văn nào đề cập trực tiếp đến năm khởi dựng ngôi đình, song hệ thống sắc phong, thần phả hiện còn tại đình cho phép xác định đình Hiệp Phù có niên đại xây dựng vào thời Lê sơ, năm Thống Nguyên (1552). Tấm bia “Hậu thần bia ký” dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 2(1741) cho biết đình Hiệp Phù được hưng công tu tạo vào thời gian này. Đến năm 1767, đình lại được tu bổ. Thời Nguyễn, đình còn được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Ngoài thờ thần Bạch Sam, đình Hiệp Phù hiện nay còn được phối thờ Lý Nương Nương (vợ tướng Bạch Sam) và phụ thờ một số người có công đức sửa chữa đình.

Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng cũng như nội dung bia Cảnh Hưng thứ 28 (1767) còn lưu giữ tại đình Hiệp Phù có thể thấy trước đây đình có quy mô bề thế. Trải qua thời gian, đình Hiệp Phù không còn quy mô dáng vẻ như xưa nữa. Quy hoạch mặt bằng hiện nay gồm Nghi môn, sân vườn và đình chính. Nghi môn xây gạch dạng trụ biểu, gồm 2 trụ lớn và 2 trụ nhỏ. Trên các trụ đắp hình 4 con phượng chụm đầu vào nhau tạo thành hình trái dành và hình lồng đèn có nhiều hoạ tiết hoa văn thực vật cùng các câu đối bằng chữ Hán. Sân đình tương đối rộng, phía bên phải dựng một dãy bia đá và khánh đá. Qua khoảng sân rộng là đến đình chính có bố cục hình chữ “nhị” gồm Đại đình và Hậu cung. Nhìn chung trang trí trên kiến trúc đình Hiệp Phù tuy không nhiều, nhưng các hoạ tiết trang trí thoáng, đường nét bay bổng, mang dấu ấn của nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, với những chi tiết sáng tạo trong kết cấu đã tạo cho ngôi đình một vẻ đẹp cổ kính và độc đáo.

Hiện nay đình còn bảo lưu được một khối lượng di vật phong phú, có giá trị cao về mặt lịch sử và nghệ thuật như bộ sưu tập bia đá thời Lê gồm 7 bia, chủ yếu là bia hậu: Bia hậu thần bi ký - Cảnh Hưng (1741), Bia hậu thần bi ký - Cảnh Hưng thứ 28 (1767)...; hệ thống đồ gỗ hoành phi, câu đối được chạm khắc tinh xảo...

Đình Hiệp Phù đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)