Khu vực lăng Hoàng Cao Khải (quận Đống Đa)
Quần thể di tích bao gồm lăng mộ, từ đường, học đường, học đề... ở đây chỉ giới thiệu về lăng mộ Hoàng Cao Khải.
Lăng Hoàng Cao Khải thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Từ Văn Miếu theo các phố Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng đến phố Tây Sơn, qua Gò Đống Đa khoảng 200m rẽ phải, đi bộ 100m thì đến lăng.
Lăng được xây dựng từ khi Hoàng Cao Khải còn sống, tức trước năm 1933, trước khi ông ta mất ít lâu. Phía trước lăng Hoàng Cao Khải là khu hồ rộng hình bán nguyệt, phía sau lăng là một gò đất cao trên có lầu hóng mát hình vuông, hai tầng tám mái. Toàn bộ lăng được xây bằng đá theo kiểu chữ “đinh”. Trước lăng có hai hàng tượng chiến binh cao 1,30m cầm gươm đứng gác. Toà kiến trúc xây trên nền cao hơn sân 1,2m, xung quanh bó vỉa bằng những phiến đá xanh chia bảy bậc bằng đá chạm hình rồng. Trong lăng gian trái và gian phải đặt hai ngôi mộ bằng đá của vợ chồng Hoàng Cao Khải, ở mỗi ngôi mộ đều ghi dòng chữ đề tên tuổi năm mất của hai vợ chồng Hoàng Cao Khải. Khu nhà thờ Hoàng Cao Khải cách lăng khoảng 500m, kiến trúc có kết cấu kiểu chữ “đinh”, mái lợp ngói ta, xây trên nền cao hơn sân 15 bậc gạch. Cách nhà thờ 30m có nhà bia, gần nhà bia còn có lăng Hoàng Trọng Phu và vợ ông ta cùng với bia ký.
Hoàng Cao Khải thời Pháp thuộc là một tên tay sai đắc lực của thực dân. Năm 1890, hắn đã từng giữ chức Kinh lược xứ Bắc kỳ, tức chức Đại thần thay mặt vua nhà Nguyễn để cai trị Bắc kỳ với thực dân Pháp tới năm 1897. Ở chức đó hắn đem quân đánh dẹp những toán nghĩa quân chống Pháp như Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Đề Thám..., vì vậy được Pháp thưởng công lớn, hắn được triều đình nhà Nguyễn phong cấp cho đất Thái Hà ở gần gò Đống Đa. Hoàng Trọng Phu là con trai của hắn đã từng giữ chức Tổng đốc Hà Nội lâu năm và phụ trách nhiều chức vụ quan trọng khác như làm Hội trưởng Hội Khai trí Tiến Đức trụ sở ở gần hồ Hoàn Kiếm tại ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ. Để ca ngợi công ơn khai hoá của thực dân và làm nhân dân ta quên bớt tội ác của chúng, Hoàng Trọng Phu đã cho xây lăng để tự tôn vinh hai cha con, nhưng đã không tính tới lòng căm thù của nhân dân đối với những tên tay sai cho giặc. Khu lăng trước kia được xây dựng trong một khuôn viên thoáng rộng, dáng vẻ uy nghi thì nay đã bị lút ngập giữa nhiều nhà dân, tượng đá trước lăng đã bị đánh đổ.
Để che giấu tội ác của mình, khi sinh thời Hoàng Cao Khải có sáng tác một số tác phẩm như: Gương sử Nam; Việt Nam nhân thần giám; Vịnh Nam sử; Làm con phải hiếu; Đàn bà nước Nam; Tây Nam đắc bàng, tướng kỳ khí xa... Tuy vậy, nhân dân ta không thể quên những việc làm bất nhân độc ác của hắn. Cũng vì thế, nhân dân vùng Đống Đa - Khương Thượng đã lưu truyền bốn câu văn truyền miệng như sau:
Khuyển - ứng hai gã Khải, Hoan
Theo Tây hại nước, giầu sang riêng mình
Công lệnh với nước, hại nước mới vinh,
Công lệnh với giặc người khinh đời đời.
Sau gần 200 năm tồn tại với bao thăng trầm của lịch sử, khu kiến trúc chính của lăng Hoàng Cao Khải bao gồm lăng Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu, khu nhà thờ, lầu hóng mát, đình tế vẫn được bảo tồn. Đặc biệt là không gian cảnh quan của khu nhà thờ như hồ vuông, hồ bán nguyệt đã được kề cạp bảo vệ.
Khu lăng Hoàng Cao Khải là nơi thờ cúng lưu niệm của một nhân vật có nhiều tội ác với nhân dân, nhưng những công trình kiến trúc bằng đá của lăng được bảo tồn với ý nghĩa ghi nhận giá trị kiến trúc đặc biệt của thời Nguyễn, đồng thời ghi nhận công lao của nhân dân - người sáng tạo ra sản phẩm nghệ thuật này.
Khu vực Lăng Hoàng Cao Khải đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1962./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01