Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Hậu Dưỡng (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 14:00 13/04/2023

Đình Hậu Dưỡng thuộc thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Hậu Dưỡng xa xưa có tên là Thiên Dưỡng (trang Hối Nguyên) thời Hùng Vương thứ 17, trang Hối Tân (Hối Độ) do ông bà Quốc Tế Lang và Lã Nương tạo dựng, khi ông bà được vua Hùng cử về đây xây dựng kho lương dự trữ cho triều đình và thấy nơi đây có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình liền lập nên trang Hối Nguyên (tức Thiên Dưỡng). Căn cứ sắc phong còn lưu lại ở đình thì thôn Hậu Dưỡng thờ ông bà Quốc Tế đại vương có công sinh hạ một lần được ba anh em là các vị thuỷ thần đầu thai giúp nước vào thời Hùng Vương thứ 18.

Ba vị thuỷ thần có tên là Nhất Lang, Nhị Lang và Tam Lang, sau khi cha mẹ mất được triều đình cử giữ chức Đới Linh Long châu thuỷ đại tướng quân, cư trú tại trang Hối Độ, ba anh em đã cùng Sơn thánh Tản Viên chống giặc bảo vệ đất nước. Sau khi thắng trận vua triệu ba ông về triều đến Chu Diên thì bỗng nhiên hoá mất, vua Hùng thương tiếc ban cho tên hiệu là Linh Tố đại vương và chuẩn cho trang Hối Độ được miễn tô dịch, dựng đền miếu thờ cha mẹ và ba vị thuỷ thần hiển linh làm thần hoàng và duy trì lệ thờ cúng cho đến nay.

Di tích đình Hậu Dưỡng nằm ở trung tâm làng Hậu Dưỡng, đình ngoảnh hướng đông nam với kết cấu chữ “đinh” gồm Tiền tế và Hậu cung. Tiền tế gồm 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình rồng chầu mặt nguyệt, các góc mái được tạo thành đạo cong, hai đầu đốc mái đắp hình kìm đuôi xoắn đầu quay vào giữa.

Đình Hậu Dưỡng là một trong những di tích lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của huyện Đông Anh. Đình thờ những nhân vật tưởng như là huyền thoại nhưng thực tế lại gắn bó rất chặt chẽ với từng tên đất, tên làng nơi đây. Các vị phúc thần được tôn vinh là tấm gương sáng, là niềm tự hào cho các thế hệ ở Hậu Dưỡng noi theo. Ngôi đình tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nhưng vẫn bảo tồn được những nét đẹp riêng mang giá trị đặc trưng của công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng. Những nếp nhà có mái đao cong, ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ bốn mùa xanh tốt tạo sự thâm nghiêm tĩnh lặng cho di tích.

Bộ sưu tập di vật còn lưu giữ tại di tích như long ngai, bài vị, bát bửu cửa võng là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Các tư liệu thành văn như: Thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối đặc biệt là đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng thứ 47 (1786) là tư liệu quý góp phần tìm hiểu về lịch sử, phong tục, tập quán của nhân dân qua các triều đại.

Đình Hậu Dưỡng đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)