Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Hậu Ái (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 13:00 13/04/2023

Trước đây, thôn Hậu Ái thuộc xã Vân Canh, tổng Vân Canh, phủ Hoài Đức, trấn Sơn Tây. Nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức.

Đình ở giữa làng, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” với Đại bái, Hậu cung và một số công trình phụ trợ khác. Trên thượng lương còn ghi đình được làm lại vào năm Giáp Dần, niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914).

Phía trước đình là một hồ rộng, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Cổng đình được xây theo lối trụ biểu, phía trên đắp bốn phượng chầu, phía dưới là mặt sập hổ phù ngậm chữ “thợ”. Từ trụ biểu lớn ra trụ biểu nhỏ là bức tường được trổ cửa nhỏ cuốn vòm có mái chồng diêm.

Qua cổng, đến sân Đại bái, hai bên là dãy Tả hữu vu 6 gian, tường hồi bít đốc, các bộ vì làm theo kiểu “quá giang” trên cột gạch. Toà Đại bái là ngôi nhà ngang gồm 5 gian với 2 mái chảy, tường hồi theo kiểu tay ngai có trụ biểu phía trước, hồi bít đốc. Bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt. Vào bên trong, các bộ vì làm theo kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ” trên 5 hàng chân cột. Các thành phần kiến trúc chạm khắc tứ linh, hổ phù, rồng và hoa lá cách điệu với đường nét mềm mại theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Từ gian giữa Đại bái nối về phía sau là Hậu cung tạo thành hình chuỗi vồ. Hậu cung được ngăn đôi bằng hệ thống cửa bức bàn sơn son thếp vàng, vẽ hình các con vật linh như long, ly, lân, phượng. Các bộ vì Hậu cung làm theo kiểu “thượng chồng rường hạ bẩy” với nhiều thành phần kiến trúc được chạm khắc rồng, mây, hoa lá cách điệu như toà Đại bái. Trong toà Hậu cung bài trí khám thờ với tượng Thành hoàng Đỗ Kính Tu. Cuốn thần phả do Dụ Trai Nguyễn Bá Đôn soạn năm Tự Đức thứ 12 (1859) cùng lời kể của các vị bộ lão trong làng truyền rằng: ngôi đình được dựng trên chính đất nhà ngài và được coi là vị thần bản thổ. Ông sinh vào thời Lý, trong một gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Nhân Ái (tức Hậu Ái ngày nay), là người thông minh hiếu học, ông đã đỗ khoa thi Thái học sinh thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, tước Phụ quốc, từng đi dẹp giặc làm loạn ở Đại Hoàng (Ninh Bình ngày nay), sau làm Phụ chính cho vua Lý Duệ Tông. Ông lúc nào cũng nêu cao khí tiết trung thần. Sau vì tuổi cao, ông xin về quê tổ chức đào mương Di Trạch để đưa nước chảy vào sông Nhuệ, giải thoát nạn úng lụt hàng năm. Cũng vì việc này mà bọn gian thần vu cho ông là làm hại long mạch để ám hại triều đình, ông không biện minh lòng thành của mình mà cưỡi ngựa bái quần thần rồi phóng xuống dòng nước. Nhân dân liền đem ông về chôn cất và thờ phụng.
Các di vật còn lưu giữ được tại đình gồm long ngai, bài vị, bộ kiệu giá ngự, bát bửu, bát hương, đỉnh đồng, 6 bức hoành phi, 8 đôi câu đối, trong đó có câu:

Phiên âm chữ Hán:

Chính khí ngật giang sơn, ẩn ước trung ba nhân mã ảnh Anh thanh tồn sử lý thanh cao di tượng tử phần gian

Dịch nghĩa:

Khí phách ngút giang sơn, người ngựa đi vào sóng muôn trùng sông nước Tiếng thơm lưu sử sách, thanh cao tượng quý giữa trần gian. Nơi đây vẫn còn lưu truyền gò Mả Am là phần mộ của tổ tiên ông và gò Mả Nàng là nơi các tỳ thiếp tuẫn tiết theo ông.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)