Văn hóa

Đánh thức tình yêu văn hóa lịch sử ở giới trẻ

Lý Uyên 14:15 13/04/2023

Trong vài năm qua, một số không gian văn hóa tại các di tích lịch sử ở Hà Nội đã được vực dậy, tái tạo và đi vào hoạt động như một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong nhịp sống văn hóa Thủ đô. Trong số đó, không thể không nhắc tới Không gian văn hóa (KGVH) Quốc Tử Giám - một dự án phi lợi nhuận, do nhóm các bạn trẻ phụ trách.

02.jpg
Một cuộc họp của nhóm thực hiện dự án

Hoàng Đoan Trang, đồng chủ nhiệm Dự án KGVH Quốc Tử Giám, người đứng đầu nhóm tình nguyện viên thực hiện các hoạt động của dự án là cô gái trẻ thuộc thế hệ cuối 9X. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống khoa cử trên phố Võng Thị ven hồ Tây thơ mộng, Đoan Trang có tình yêu đặc biệt với văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Vì thế, tuy là du học sinh tốt nghiệp trở về từ Mỹ với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp nhưng Đoan Trang đã nhận lời phụ trách dự án với tâm thế của một tình nguyện viên, từ sự gửi gắm của Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó cũng là thời gian Đoan Trang cùng lúc phụ trách Dự án Giáo dục Khai phóng Gavisto Diplomat với tư cách người đồng sáng lập và vừa bước vào giai đoạn hoàn thành chương trình Thạc sĩ ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tại Victoria University, Wellington (New Zealand). Đoan Trang cho biết: Dự án được ra đời vào tháng 5 năm 2021 và đến tận tháng 9 năm 2021 mới ra mắt sản phẩm đầu tiên, đó là hệ thống trang truyền thông trên mạng xã hội của KGVH Quốc Tử Giám, từ Instagram đến Facebook và nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt theo dõi, rồi sau đó là các sự kiện online và offline.

05bdgrthbrtht.jpg
Hoàng Đoan Trang - Đồng chủ nhiệm Dự án KGVH Quốc Tử Giám

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm thực hiện dự án đã hoàn thành được 1 chuỗi talkshow về lịch sử và truyền thống đạo học mang tên Mạn đàm: Đóng góp của Khoa cử, trí thức Việt Nam thế kỷ XIX trong dòng chảy thời đại; Đề thi trong khoa cử Việt Nam trung đại: Nét bút sắc sảo phản ánh lịch sử dân tộc; các buổi Tọa đàm Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt; La Hầu và hình tượng La Hầu trong văn hóa - kiến trúc Việt Nam; Talkshow Đánh thức tiềm năng sáng tạo từ những giá trị văn hóa truyền thống; các hoạt động hướng đến sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu văn hóa truyền thống như trưng bày hội họa với triển lãm tranh Kỳ ẩn Việt Nam; Đối thoại với nhóm Collective Sònsòn… cùng sự góp mặt của nhiều học giả có tiếng như TS. Vũ Đức Liêm, GS. Wynn Gadkar-Wilcox, TS. Trần Hậu Yên Thế, cố vấn - dịch giả Trương Quốc Toàn…

Nhớ lại quãng thời gian bắt đầu dự án, Đoan Trang xúc động chia sẻ: Đội ngũ nhân sự ban đầu chưa đến 10 người và sau này con số ấy mới lên gần tới 20. Ngay từ lúc bắt đầu nhận nhiệm vụ, các thành viên trong nhóm đã xác định đây là công việc tình nguyện và hoàn toàn không có lương, mọi người đều vì đam mê, tình yêu với văn hóa, lịch sử nên chỉ cần có điều kiện được thỏa mãn nó ở một di tích lịch sử như thế này đã là một món quà rất lớn rồi. Ý tưởng ban đầu của nhóm thực hiện dự án là mong muốn trả lại chức năng và ý nghĩa cho trường Quốc Tử Giám, là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, chứ không phải một nơi thờ tự. Nơi đây đã diễn ra những cuộc bình văn, những kỳ thi và những lớp học đặt nền móng cho sự phát triển truyền thống học tập của nước Việt xưa. Vì vậy, các hoạt động mà nhóm muốn hướng đến là gây dựng không gian và điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội khai thác những giá trị truyền thống của di sản này.

04.jpg
Khóa học “Bút nghiên dư ảnh” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Những ngày đầu nhóm triển khai công việc cũng là thời điểm cả xã hội căng thẳng vì đại dịch Covid-19, rồi tiếp đến là những đợt giãn cách kéo dài. Phải làm việc online, không có cơ hội tổ chức sự kiện dễ dàng như trước, ai cũng phải vắt óc xoay xở để làm sao dự án của mình vẫn có đủ sức hút và sức thuyết phục tới khán giả dù chỉ qua mạng xã hội. Thế rồi các buổi tọa đàm online lần lượt được triển khai với sự hỗ trợ rất lớn của Giám đốc Lê Xuân Kiêu cũng như sự tư vấn, ủng hộ từ các học giả uy tín và bạn bè thân thiết. Cả nhóm vẫn động viên nhau là đi thật chậm, thật chắc, và luôn luôn phải tự giáo dục cũng như làm mới mình. Sau một chặng đường đi cùng nhau, các thành viên đã hiểu nhau hơn, thân thiết hơn và đã tạo nên một “guồng máy” ăn ý tới từng chi tiết.

Thanh Thảo, một thành viên của nhóm tình nguyện viên thực hiện dự án, cô gái thế hệ đầu 9X dù đang làm truyền thông toàn thời gian ở một công ty khác nhưng vẫn rất háo hức mỗi lần triển khai các hoạt động cho sự kiện thuộc dự án. Bên cạnh tình yêu đặc biệt và đam mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử nước nhà là sự yêu mến, quý trọng mà Thảo dành cho Đoan Trang. “Mình làm vì đam mê thôi, chứ không nghĩ nhiều đến lương thưởng”, Thảo cười tươi khi chia sẻ về trải nghiệm trong dự án. Tương tự Thanh Thảo là Minh Ngọc và các bạn trẻ khác trong nhóm, đều mang hết tâm huyết, sự nhiệt tình và ham học hỏi của tuổi trẻ để đem đến sức hút của KGVH Quốc Tử Giám.

Khi nhắc tới những khó khăn mà đội ngũ gặp phải, Đoan Trang chưa bao giờ nghĩ rằng nguyên nhân đến từ ngân sách eo hẹp, mà chủ yếu đến từ việc làm sao để có thể động viên nhau tiếp tục cống hiến bên cạnh những mục tiêu quan trọng của cuộc đời. Các thành viên trong nhóm cũng chia sẻ: Tham gia dự án là một cơ duyên để mọi người được gặp gỡ những người bạn mới và cả những người bạn cũ trong một hoàn cảnh và góc nhìn mới. Và mong muốn lớn nhất của cả nhóm là có cơ hội được lan tỏa tâm huyết, sự nhiệt tình của mình đến những bạn trẻ khác còn chưa dám thử, chưa dám phá cách. Lớn hơn cả là thông qua dự án, mọi người đều mong đưa di tích đến gần hơn với mọi người, cũng như đánh thức tiềm năng sáng tạo và tình yêu với văn hoá lịch sử cho giới trẻ.

Nói về những kế hoạch sắp tới của dự án, Đoan Trang chia sẻ: “Thời gian vừa qua, nhóm không bung ra nhiều sự kiện mà đang ấp ủ và chuẩn bị cho một sự ra đời của hàng loạt các hoạt động mới với chất lượng cao hơn và đặc biệt là in đậm dấu ấn của nền Nho học Việt Nam, mà trong đó nhiều tác gia, nhiều học giả quan trọng trong lịch sử đã được ghi danh, đã sống và phụng sự, cống hiến ở nơi đây, Quốc Tử Giám. Sự kiện gần nhất, dự kiến sẽ được triển khai vào tháng Tư này.”

Hoàng Đoan Trang, sinh năm 1998, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống khoa cử: Cụ nội của Trang theo học trường Pháp, giỏi tiếng Pháp và từng sống ở phố Gia Ngư (ngày xưa gọi là phố Rue de Tirant). Ông bà nội ngoại và bố mẹ của Trang đều học hết đại học. Mẹ của Đoan Trang là hậu duệ đời thứ 15 của sứ thần Giang Văn Minh. Đoan Trang tốt nghiệp Cử nhân ngành Ngôn ngữ và Văn học Anh Mỹ, cử nhân ngành Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp tại Hoa Kỳ năm 2020; Thạc sĩ ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tại Victoria University, Wellington, New Zealand. Hiện nay, ngoài các hoạt động tại KGVH Quốc Tử Giám, Trang đang làm nghiên cứu lịch sử độc lập và dịch văn học Anh, Pháp.

Lý Uyên