Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Hướng Dương (huyện Thường Tín)

Sơn Dương (t/h) 26/11/2022 19:00

Tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín còn lưu giữ được một ngôi đình cổ - đình Hướng Dương, thờ vị Đại Vương Thánh Mẫu. Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.

Đình Hướng Dương đầu làng, quay hướng tây nam, phía trước đình có hồ bán nguyệt, bên hồi có nhà bia. Ngôi đình kết cấu kiểu chữ “công” gồm: toà Đại bái, Ống muống và Hậu cung.

Toà Đại bái được chia làm 5 gian 2 chái, tường gạch bao quanh, bốn mái đao cong. Kiến trúc khung nhà là bốn hàng cột của 6 bộ vì làm kiểu “thượng chồng rường; hạ cốn, bẩy hiên”. Những bức cốn mê đục chạm đề tài truyền thống tứ linh, tứ quý. Hệ thống cột xẻ để khớp với câu đầu hợp lực đỡ mái. Những mảng kiến trúc phong cách thời Lê được tạo tác trên các bộ vì nách, trên má thân của các kẻ phía đầu có đục chạm kênh bong hình rồng có phủ đầy tia mác lửa. Quan sát trên thân cột có ghi lạc khoản tên những người cung tiến như: Đoàn Vinh Minh, Đoàn Minh Khán... Ở phía mái bờ guột còn có hai con kìm bằng đất nung màu tro xám nghệ thuật thời Lê. Trên câu đầu của đình còn ghi dòng chữ “Chính Hoà nhị thập niên tiền triều sáng tạo, Bảo Đại thập nhất niên đồng thôn tiền tu tạo”, như vậy đình được khởi dựng năm Chính Hoà thứ 20 (1699), đến năm Bảo Đại thứ 11 (1936) tu sửa. Từ những căn cứ trên cùng với kiến trúc hiện tại ngôi đình, ta có thể đoán định niên đại ngôi đình có từ thời Lê.

Toà Hậu cung còn gọi là đình Thượng - nằm song song với nhà Đại bái qua nhà Ống muống. Toà Hậu cung, chia làm 3 gian. Kiến trúc khung nhà với ba hạng cột gỗ tròn. Các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Trên đầu rường có nét chạm hoa văn thực vật.

Theo những văn bản chữ Hán và cuốn thần phả lưu trong đình thì đình Hướng Dương thờ vị thần Thành hoàng làng là: Uy linh Tây vực phù vịnh quốc minh mẫu đại vương và Kiều cung đế mẫu công chúa Thuỷ Tinh thần tiên quốc vương. Tương truyền các vị âm phù giúp vua Lý Thần Tông dẹp giặc ngoại xâm ngoài biên ải. Trong đình còn lưu giữ 29 đạo sắc của các triều phong kiến phong cho các vị thần. Đạo sắc sớm nhất vào năm Dương Hoà thứ 5 (1639) triều Lê Thần Tông.

Đình Hướng Dương còn bảo tồn quả chuông đồng “Hướng Dương linh điện”, đúc vào năm Nhâm Thìn (1892) đời vua Thành Thái. Trong bài minh ghi tên những người hưng công để đúc chuông.

Tấm bia đá ghi “Đoàn giáp hậu vị bi ký”, trán bia khắc hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, với rồng mây, sen trúc. Lòng bia khắc 25 dòng chữ Hán, được làm vào năm Kỷ Sửu niên hiệu Khải Định thứ 10 (1925)./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)