Danh thơm Nhị Khê

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:10, 05/03/2021

Sử làng Nhị Khê (Thường Tín) chép lại, sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, cứ độ xuân sang, theo dòng sông Tô Lịch, vua Lý thường ngự thuyền rồng xuôi về Nam. Qua Trại ổi, thấy làng quê trù phú, cánh đồng xanh bát ngát, hoa nở rực rỡ hai bên bờ sông, nhà vua dừng lại ngắm rồi đặt tên cho vùng này là Nhụy Khuê (Suối Hoa).
Thời Trần, Hàn lâm học sĩ Nguyễn Phi Khanh đã lấy cảnh đẹp quê hương làm tên hiệu của mình là Nhị Khê. Và, để bày tỏ sự trân trọng đối với người đã có nhiều công lao mở mang dân trí, người dân nơi đây đã lấy tên hiệu của Nguyễn Phi Khanh mà đặt tên cho làng. Trải nhiều thế kỷ, Nhị Khê đã chứng minh là địa linh, thời nào cũng có danh nhân hào kiệt, tiếng thơm muôn đời...
Danh thơm Nhị Khê
Tượng Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê.

1. Sông Tô Lịch - con sông từng có quá khứ huy hoàng “đẹp và thơ mộng bậc nhất kinh thành Thăng Long” chảy từ nội thành Hà Nội đến cầu Quán Gánh, rồi uốn thành hình chữ U đỡ lấy Nhị Khê trước khi chảy thêm vài cây số nữa để hợp lưu sông Nhuệ, kết thúc “sứ mệnh lịch sử” của mình. Người ta ví, Nhị Khê như được cánh tay khổng lồ của tạo hóa - là con sông Tô Lịch đỡ lấy, cho nên những tinh túy của đất trời đã hội tụ để Nhị Khê sản sinh ra những nhân tài và những nghề thủ công đặc sắc.

Sông Tô chảy qua địa phận xã Nhị Khê khoảng 3km và được phân định bởi hai cây cầu: Đầu xã là cầu Quán Gánh, cuối xã là cầu Vân - cả hai cây cầu đều gắn với những câu chuyện lịch sử và văn hóa.

Trên con đường thiên lý Bắc - Nam, bánh giầy Quán Gánh luôn hút khách thập phương, ai đi qua cũng đều ghé vào mua làm quà biếu. Dù vậy, không phải ai cũng biết, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân nơi đây đã nổi dậy cướp đoàn xe bò chở thóc của giặc Nhật trên đường vận chuyển từ Thường Tín về Văn Điển để trả thù sự tàn ác dã man của chúng khi gây ra cái chết bi thảm của nhiều người dân làng Trung Thôn, làng Nhị Khê... Cầu Quán Gánh còn chứng kiến giặc Pháp ở bốt Chùa Thông bắn giết cán bộ cách mạng, du kích của ta rồi ném xác xuống dòng Tô Lịch. Và dòng sông cũng chứng kiến những đoàn quân cách mạng hùng dũng kéo về phủ Thường Tín giành chính quyền Tháng Tám năm 1945...

Bên phải cầu Vân là di tích Văn bia Bãi Sếu - cầu Vân, nơi lưu danh những người con khoa bảng đất Nhị Khê. Khúc cuối của sông Tô Lịch chảy trên địa phận xã Nhị Khê, xưa có tên Trại ổi - nơi phong cảnh hữu tình, thế đất đẹp, có tới 99 gò đống. Khu văn chỉ, là nơi đặt bia đá ghi danh các vị khoa bảng của làng, trong đó có tên và tước vị của cha con Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh. Ở đây còn có Nhà bia Bãi Sếu hiện vẫn còn lưu giữ được tấm bia cổ dựng năm 1690, ghi tên những người con quê hương Nhị Khê đỗ đại khoa.

Đó là chưa kể hệ thống cổng làng, đền thờ, từ đường và hơn ba mươi nhà thờ riêng của mỗi dòng họ trong xã, đều là những thiết chế văn hóa, di tích có giá trị, đã chứng minh Nhị Khê là mảnh đất địa linh nhân kiệt, tiềm tàng văn hiến... 

2. Trên mỗi cổng làng ở xã Nhị Khê đều đắp nổi dòng chữ Hán, có ý nghĩa như một triết lý sống.

“Như kiến đại tân” - là chữ đề trên cổng Quốc (quan khai quốc - Nguyễn Trãi), ý nói người Nhị Khê tâm hồn rộng mở, ai đến làng cũng đều được coi trọng như khách quý.

Cổng làng Trung Thôn đề chữ “Trung lập bất ỷ” - ý khuyên con người trung thực, tự lập vươn lên.

Cổng làng Thượng Đình có chữ “Chí bình dĩ thánh” - hàm chỉ cuộc sống nơi đây luôn bình dị, thanh cao. 

Cổng làng Văn Xá đề chữ “Nhân vi mỹ” - con người luôn coi trọng cái đẹp từ bên trong và luôn mong làm những điều tốt đẹp, hướng tới chân - thiện - mỹ...

Danh thơm Nhị Khê
Nông thôn mới ở xã Nhị Khê.

Những triết lý đó đã được người Nhị Khê lấy làm bài học đạo đức, thấm nhuần từ thế hệ này đến thế hệ khác, để rồi ghi tên mình vào lịch sử dân tộc một làng khoa bảng, chí sĩ yêu nước. Đó là Nguyễn Phi Khanh nhà giáo, nhà thơ nổi tiếng kinh thành Thăng Long, và người con, Nguyễn Trãi - “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đó còn là Hoàng giáp Ngô Hòa, Thám hoa Nguyễn Đình Tấn, nhà sử học Dương Bá Cung. Đó là cụ cử Lương Văn Can mở mang dân trí - người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục; Lều Thọ Nam gieo mầm cách mạng... Nhiều người con quê hương như Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy; Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương chung nước nguồn Nhị Khê ra đi đã làm rạng danh quê hương, rạng danh sử nước. 

3. “Làng Dũi có cây bồ đề/ Có sông tắm mát có nghề tiện mâm”...

Tên làng Dũi gắn với nghề truyền thống dũi tiện ở Nhị Khê. Từ xưa đến nay, nghề tiện truyền thống đã mang lại cuộc sống ổn định, bảo đảm điều kiện vật chất để người Nhị Khê chăm lo việc học cho các thế hệ. Trên cổng nhà thờ tổ nghề có ba chữ “Dân tiên giác”, ý nói dân là trước hết. Phải chăng tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi coi dân là gốc “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” bắt đầu từ đây? Và chắc vì thế mà từ xưa đến nay, kể cả những lúc lịch sử thăng trầm nhất, thì người Nhị Khê cũng không bao giờ nhắc đến hai chữ đói nghèo. Bởi họ luôn sáng tạo để nghề truyền thống phát triển rực rỡ. Từ lò tiện thủ công nguyên thủy dần được cải tiến thành bàn tiện ngồi đạp chân, rồi bàn tiện đứng đạp chân có bánh đà, dây curoa truyền lực, vừa giảm sức lao động, vừa nâng cao năng suất; sản phẩm làm ra ngày càng nhiều hơn.

Vào thời điểm hiện tại, hàng trăm hộ dân Nhị Khê có trong tay hàng nghìn cỗ máy tiện, máy bào, máy cưa, máy dập, máy phun hiện đại với động cơ lớn nhỏ, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng triệu sản phẩm gỗ tiện truyền thống như mõ, tượng gỗ, con giống, mành treo tường, mâm gỗ, ống hương, ấm ủ nước, chân bàn ghế, chấn song cửa chiếu... và hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo như tràng hạt, bình, lọ, bát, đĩa, chiếu gỗ, đệm ghế ô tô, mành cửa... xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Vậy là Nhị Khê đã có Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và ở thế kỷ XXI này, Nhị Khê lại thăng hoa trên trường quốc tế bởi sản phẩm truyền thống của mình. Nhị Khê cũng đã và đang là một nông thôn mới điển hình. Điều đáng trân trọng là trong quá trình hiện đại hóa nông thôn, mục tiêu không bao giờ thay đổi của Nhị Khê là gìn giữ và phát huy danh tiếng “phú quý vinh hoa” và thương hiệu làng nghề, làng văn hiến.

HNMCT