Danh thắng & Di tích Hà Nội

Quán Huyền Thiên (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 20:20 12/04/2023

Quán Huyền Thiên, tên chữ là Huyền Thiên cổ quán, dân gian vẫn quen gọi là chùa Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên. Thuộc địa phận khu phố cổ Hà Nội, quán Huyền Thiên nằm giữa phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân.

Thời Lê là đất thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Phố này trước đây là nơi tập trung bán các loại khoai. Tên phố thời Pháp thuộc là “Rue des Tubercules” (phố Các Củ). Sau Cách mạng tháng Tám, gọi là phố Hàng Khoai.

Các sách “Thăng Long cổ tích khảo”, “Hà thành linh tích cổ lục” đã từng nhắc đến bốn ngôi quán nổi tiếng của Thăng Long là Huyền Thiên cổ quán, Trấn Vũ quán, Đế Thích quán, Đồng Thiên quán. Quán Huyền Thiên là nơi thờ Huyền Thiên thượng đế, một trong những vị Thánh tiêu biểu của thần điện Lão giáo.

Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên là vị thần có nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc, người xưa cho rằng phía đông có thần Thanh Long biểu hiện cho mùa xuân, phía nam có thần Chu Tước biểu hiện cho mùa hạ, phía tây có thần Bạch Hổ biểu hiện cho mùa thu, biểu hiện cho mùa đông là thần Huyền Thiên ở phía bắc.

Thần Huyền Thiên được thờ ở nhiều nơi, riêng Hà Nội đã có Trấn Vũ quán ở Quán Thánh (Ba Đình), đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn (Gia Lâm), Huyền Thiên đại quán ở Thụy Lâm (Đông Anh) và Huyền Thiên cổ quán ở phường Đồng Xuân...

Cũng theo sử sách đã ghi thì tục thờ Huyền Thiên Trấn Vũ đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Thần vốn là Thánh của Đạo giáo, lại là thần của người Việt nên nơi thờ đúng là Huyền Thiên quán. Sau này khi đạo Phật được mở rộng, dân trong thôn đưa Phật vào thờ chung trong quán, cũng quen gọi là chùa Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên từ đấy.

Tấm bia “Trùng sáng Huyền Thiên bi minh” niên hiệu Vĩnh Tộ (1628 - 1669) có ghi “... Đây thuộc về phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, Phụng Thiên... quán này là Huyền Thiên cổ quán... Phía đông gối vào sông Nhĩ Hà trắng xoá, phía tây nhìn sang non Tản xanh lơ, phía nam có cầu Hà Kiều, phía bắc có chùa Hồng Phúc, thật là thắng tích... Quán có từ thời Lê Thiệu Bình thứ 7 (1439)”. Bia cũng cho biết thời gian này quán đã có 13 gian với cung thờ Phật, thờ tiên và pho tượng Huyền Thiên bằng gỗ trầm. Đây cũng là niên đại tu sửa quán sớm nhất được biết đến. Quán Huyền Thiên đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần.

Đầu thế kỷ XX thực dân Pháp đã cho lấp hồ, mở rộng phố xá, quán Huyền Thiên cũng bị thu hẹp. Năm Bảo Đại thứ 5 (1930) quán Huyền Thiên được mở rộng như hiện nay, phần lớn các hạng mục được xây dựng lại. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, quán Huyền Thiên cũng bị tàn phá nặng nề. Pho tượng Thần bằng gỗ trầm bị cháy. Năm 1948 nhân dân trong thôn cùng khách thập phương quyên góp, quán được xây dựng lại. Đầu thế kỷ XXI, di tích lại được trùng tu tôn tạo lớn.

Huyền Thiên cổ quán có bố cục kiểu “Nội công ngoại quốc”, các dấu tích kiến trúc, mỹ thuật hiện còn, đều mang dấu ấn của những lần tu sửa năm 1930, 1948. Nghi môn - gác chuông 2 tầng là một kiến trúc gạch nổi bật nhất trong toàn bộ các công trình của quán, mang đậm nét của lối kết cấu cổ truyền. Sau nghi môn là sân quán với hai nhà bia lớn và hai giếng (tương truyền là hai giếng cổ thiên tạo). Tiếp theo là phần nội công vẫn còn nguyên vẹn với nhà bái đường 7 gian, có kiến trúc theo kiểu vọng lâu hai tầng, tám mái, đây cũng là nơi đặt pho tượng thần Huyền Thiên. Thiêu hương là một toà nhà chạy dọc mang tính chất như thượng điện nối với 2 gian nhà ngang phía sau, áp hai tường hồi quán là dãy hành lang, nay dùng làm nhà khách.

Bên cạnh ý nghĩa của một di sản kiến trúc tôn giáo, giá trị tiềm ẩn trong quán Huyền Thiên còn là các văn bia cổ, hàng loạt các pho tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu và các pho tượng Lão giáo, cùng nhiều hiện vật phong phú khác.

Hàng năm, tại quán Huyền Thiên có hai ngày lễ lớn ngày 3 tháng ba và ngày 9 tháng chín âm lịch...

Với tính chất của một ngôi quán thờ Thánh (theo quan niệm Lão giáo) lại vừa là một ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ Mẫu (theo tín ngưỡng dân gian), sự kết hợp hài hoà trong kiến trúc và tôn giáo đã làm Huyền Thiên cổ quán trở thành một điểm văn hoá cảnh quan độc đáo trong quần thể các di tích nổi tiếng của khu phố cổ và thủ đô Hà Nội.

Quán Huyền Thiên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)