Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Ghềnh (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 18:57 12/04/2023

Đền Ghềnh có tên chữ là “Thiên Quang linh từ”, ở ngay mép sông Hồng, gần cầu Chương Dương, thuộc thôn Ái Mộ, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Ái Mộ - Bồ Đề là một địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hoá. Nơi đây từng là đại bản doanh của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Dấu ấn lịch sử này đã đi vào tâm thức nhân dân địa phương với câu ca dao:

Giặc đi rồi giặc lại về,
Giặc đến Bồ Đề thì giặc phải tan.

Đền Ghềnh là cách gọi thân quen của nhân dân địa phương, vì nơi đây xưa kia nước sông chảy xiết, cuộn ghềnh. Nước dữ đã làm thuyền qua lại trên sông hay lật và bị cuốn trôi. Nhưng rất lạ, miếu nhỏ thờ Thuỷ Thần lại được gọi là Thiên Tiên Cổ điện, tức miếu thờ Tiên (trên trời). Phải chăng nơi đây đất lành nên Thiên - Thuỷ giao hoà? Do vị trí gần mép sông nên miếu bị sạt lở và được xây dựng lại, nhưng miếu trở thành đền như ngày hôm nay là do việc xây dựng lại gắn với truyền thuyết ba bộ hài cốt của mẹ con Ngọc Hân công chúa - Bắc Cung hoàng hậu của vua Quang Trung thời Tây Sơn. Vậy, vì nguyên nhân gì mà mẹ con Bắc Cung hoàng hậu lại được an toạ ở vùng đất linh thiêng này, nơi giao hoà Thiên - Thuỷ?

Ngọc Hân là công chúa thứ 21 của vua Lê Hiển Tông, tài sắc hơn người, đoan trang, kiều diễm, được mệnh danh là Chúa Tiên. Vua Lê Hiển Tông coi như viên ngọc quý. Chính vì thế, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân ra “phù Lê diệt Trịnh" thành công, nhà vua đã chọn làm ý trung nhân cho Ngọc Hân. Cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Hân với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã xua đi sự nghi ngờ của triều đình nhà Lê đối với quân Tây Sơn. Nhờ đó mà đất nước được yên bình, thoát cảnh nồi da, xáo thịt. Công chúa Ngọc Hân thực sự đã đóng vai trò cầu nối cho sự giao hoà Bắc - Nam trong hoàn cảnh chính trị phức tạp lúc bấy giờ.

Sau khi nhà Lê đổ, Nguyễn Huệ lên ngôi vua (25 tháng chạp năm Kỷ Dậu, tức năm 1789), lấy hiệu là Quang Trung, Ngọc Hân được phong là Bắc Cung hoàng hậu. Bắc Cung hoàng hậu là một người thông minh, học cao, biết rộng, biết người, đoán xét được mọi việc nên đã giữ được vai trò quan trọng trong nghiệp lớn của vua Quang Trung.

Nhưng tạo hoá vần xoay, càn khôn biến đổi, sinh tử là chuyện thường khó ai biết được. Cuộc nhân duyên như định mệnh của đôi trai tài Nguyễn Huệ, gái thuyền quyên Ngọc Hân thật là ngắn ngủi, chẳng được vẹn toàn. Mới chỉ 6 năm chăn gối, nhà vua đã đột ngội ra đi, để lại hoàng hậu còn trẻ (tuổi vừa 22) và 2 con thơ dại. Nỗi đau thương từ cái chết của chồng đã dồn nén vào những vần thơ trong bài "Ai tư vãn". Bà trách thời than phận:

nay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.

Nhưng bài thơ không phải chỉ để khóc than, Ngọc Hân đã dùng thơ để ca ngợi công đức của chồng với sơn hà, xã tắc, với trăm dân, người Anh hùng áo vải:

Mà nay áo vải cờ đào, Giúp dân dựng nước xiết bao công trình. Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn, Công đức dày ngự vận càng lâu, Mà nay lượng cả ơn sâu, Móc mưa rơi khắp chín châu đượm nhuần Công nhường ấy mà người nhường ấy, Cõi thọ sao nhường ấy hoà công...

Quả thật, biểu hiện nỗi xót thương trước sự biệt ly với chồng của Ngọc Hân như thế thật là xưa nay hiếm. Hơn thế, Ngọc Hân còn hiểu rõ, cảm phục và ngưỡng mộ sự nghiệp “giúp dân dựng nước..." của Nguyễn Huệ, vì vậy Ai tư vãn về nội dung đã trở thành thiên trường ca có giá trị tư tưởng đặc biệt lúc bấy giờ, và vượt lên các thi nhân nổi tiếng đương thời.

Tài, đức và sự trinh liệt của hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã thông đến trời đất, nên sau khi mất đi bà hiển linh và trở nên bất tử. Chính sử triều Nguyễn và gia phả dòng họ Nguyễn Đình ở xã Ninh Hiệp đã nói về ba bộ hài cốt của mẹ con bà. Chuyện kể rằng sau khi Ngọc Hân và hai con chết, hài cốt của mẹ con bà đã được thân mẫu là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền đưa về an táng tại quê nhà và nhân dân đã lập miếu thờ. Bốn mươi năm sau, triều đình nhà Nguyễn biết tin này đã trị tội quan sở tại, quật hài cốt đem thả xuống sông Hồng - khu vực làng Ái Mộ. Lòng dân Ải Mộ thương xót đã đắp mộ và xây miếu thờ. Miếu thờ ngày ấy chính là đền thờ hôm nay. Bà linh ứng báo mộng cho dân làng xây đền thờ. Hoàng hậu Lê Ngọc Hân trở thành Thần chủ của ngôi đền này. Bà được dân gian coi là một hoá thân của Mẫu Thoải (Thuỷ), một trong ba vị Thánh Mẫu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Thật là kỳ diệu, một nhân vật lịch sử, một liệt nữ, khi sống không nắm quyền, chết đi lại được hiển Thánh, sống mãi trong lòng dân, đời đời được ghi nhớ. Đền thờ bà được gọi là đền Mẫu.

Theo tộc phả của dòng họ Đặng Đình ở làng Ái Mộ thì đền Ghềnh được bà Đặng Thị Bản bỏ tiền và công đi quyên góp để xây dựng. Lý do bà Bản làm việc này là vì bà bị ốm và được báo mộng về việc xây đền. Đền được xây dựng vào năm 1858 trên một khuôn viên rộng chừng 3 mẫu Bắc bộ. Trong khuôn viên có gò núi Kim Quy, cây tốt um tùm, các loại chim hội về làm tổ, có khe nước róc rách. Thật là một địa linh: tụ sơn, lưu thuỷ. Sau khi xây xong, bà là người trông coi và trở thành Tổ của đền. Những người kế tục bà đều là con cháu dòng họ Đặng Đình, nhưng phải là người có căn duyên. Đây chính là một khía cạnh lịch sử của ngôi đền. Hệ thống điện Thần trong đền Ghềnh có nét khác biệt so với điện Thần tứ phủ thông thường:

- Trong cung cấm chỉ có tượng hoàng hậu Ngọc Hân được coi là Mẫu Thoải mà không có Mẫu Thiên, Mẫu Địa (Thượng Ngàn).

- Hai bên phía ngoài Hậu cung là Tứ vị Thánh Chầu, cách bài trí này ít gặp ở các điện Thần tứ phủ khác như phủ Tây Hồ, phủ Giầy, đền Mẫu Tuyên Quang, Lạng Sơn...

- Thông thường tượng các quan Hoàng khâm Trực điện Thần Mẫu (quan Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười) được đặt tại Công đồng các quan, ngay phía trước 5 vị Tôn Ông. Nhưng ở đây các vị này lại được đặt ở hai bên quay vào chính điện. Đây lại là một địa điểm khác nữa
- Tứ phủ Thánh Cậu được đặt ở hai bên trước cửa lầu Sơn Trang. Rất ít khi thấy nơi nào thờ tứ phủ Thánh Cậu trong chính điện mà chỉ có lầu Cô, lầu Cậu phía trước đền.

- Hai lầu Cô ở đền Ghềnh đặt trước phủ chúa Sơn Trang.

- Trước cửa đền, ngoài sân có ban thờ ông Hổ (trong đạo Mẫu gọi là Quan thanh tra) quay thẳng vào chính điện. Cách bài trí này không có ở các đền Mẫu khác.

Chưa thể rõ căn nguyên sự khác biệt, nhưng sự khác biệt này làm nên nét độc đáo của đền Ghềnh.

Lễ hội đền Ghềnh là một trong những lễ hội lớn trong vùng, được tổ chức từ mùng 6 đến 12 tháng tám âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau, đa dạng và phong phú. Nghi lễ đáng lưu ý nhất là lễ rước nước, giống như các lễ hội vùng ven sông Hồng. Rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà... Trong lễ hội đền Ghềnh, rước nước từ giữa dòng sông còn được coi là có ý nghĩa để rửa hận cho hoàng hậu Lê Ngọc Hàn và hai con vì hài cốt của họ bị ném xuống sông Hồng. Tuy nhiên, trước kia do sự hẹp hòi, nhỏ nhen của triều đình nhà Nguyễn mà nghi lễ rước nước chỉ được coi là lễ Mẫu và nước lấy về để thờ Mẫu quanh năm.

Không rõ lệ có từ bao giờ và do ai đặt ra mà dân thôn cũng như khách thập phương về dự hội đền Ghềnh đều vác cây mía trên ngọn có treo chùm khế và xâu bánh đa để tưởng nhớ và như diễn lại cuộc hành quân của nghĩa binh Quang Trung năm xưa truy đuổi quân Thanh. Cảnh trẩy hội như thế ngày nay không còn, nhưng tục dâng bánh đa và khế vẫn có. Đây là nét văn hóa truyền thống ở đền Ghềnh.

Giá trị của đền Ghềnh còn được thể hiện ở những di vật. Trước hết, phải kể đến quả chuông được đúc vào thời Tự Đức (1876). Rất tiếc Bài minh trên chuông đã mờ nên không thể đọc được nội dung. Hai cỗ kiệu: 1 kiệu Long đình và 1 kiệu Mẫu. Đây là những cỗ kiệu lớn được trang trí bằng nghệ thuật chạm trổ rất đẹp. Nhưng đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể nằm ở các bức đại tự, cuốn thư và hoành phi, câu đối. Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều tập trung vào ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, công trạng, đức độ của các vị Thần được thờ, nơi ngôi đền toạ lạc. Các bức đại tự khẳng định giá trị của đền như: “Đức dày của đất” (Khôn đức hậu), “Mây lành chở che” (Tư vân ấm), “Vua trung nữ giới” (Nữ trung vương), “Điện cổ Thần Tiên” (Thiên Tiên cổ điện), “Bà mẹ của sông nước” (Thuỷ tiên thánh mẫu).../.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)