Kiến trúc - Quy hoạch

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040

KT 14:53 12/04/2023

Theo đó, TP.Hải Dương sẽ phát triển theo mô hình trục vành đai và các trục xuyên tâm với hạt nhân là đô thị trung tâm hiện hữu, lấy sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 5 vùng Thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm.

quyhoachtphd-6524.jpg
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhận quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040. (ảnh: baophapluat.vn)

Chiều 11/4, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040.

TP Hải Dương là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh Hải Dương; là đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh, có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, khu vực, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của TP Hải Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ được đầu tư đồng bộ, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Theo đó, TP.Hải Dương sẽ phát triển theo mô hình trục vành đai và các trục xuyên tâm với hạt nhân là đô thị trung tâm hiện hữu, lấy sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 5 vùng thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm.

Khai thác lợi thế tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô và tuyến vành đai 1, hình thành các trung tâm văn hoá, trung tâm triển lãm, trung tâm logistic, chợ đầu mối của đô thị. Phát triển các khu đô thị sinh thái, duy trì hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp. TP.Hải Dương nằm trong phân vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm với chức năng là đô thị tổng hợp đa ngành, trung tâm hành chính chính trị của tỉnh, trung tâm kinh tế đa ngành: thương mại dịch vụ, tài chính, công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Khu trung tâm đô thị hiện hữu được bảo tồn phát huy giá trị văn hóa con người xứ Đông, quy hoạch cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu theo định hướng phát triển chung để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I.

Không gian sông Thái Bình và sông Sặt là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông. Tổ chức các cầu mới qua sông bảo đảm các điều kiện kỹ thuật. Khai thác cảnh quan sông Sặt, tổ chức không gian cây xanh công viên thể dục thể thao, vui chơi giải trí, bảo đảm các điều kiện môi trường và thoát nước đô thị.

Thành phố phát triển theo 6 phân khu, trong đó khu 1 là khu trung tâm đô thị hiện hữu thuộc một phần các phường Việt Hòa, Tứ Minh, Thanh Bình, Tân Bình, Cẩm Thượng, Phạm Ngũ Lão, Bình Hàn, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nhị Châu, Ngọc Châu và Hải Tân; Khu 2 là không gian sông Thái Bình thuộc một phần các xã, phường Việt Hòa, Cẩm Thượng, Bình Hàn, Nhị Châu, Ngọc Châu, Hải Tân, Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Nam Đồng và An Thượng; Khu 3 là khu đô thị văn hóa, thể thao, giáo dục và y tế mới phía Tây Nam thuộc một phần các phường, xã Thạch Khôi, Liên Hồng và Gia Xuyên; Khu 4 là khu đô thị xanh, thông minh phía Nam thuộc một phần các phường, xã Lê Thanh Nghị, Hải Tân, Tân Hưng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn; Khu số 5 là khu đô thị mới sinh thái phía Đông thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, Quyết Thắng và Tiền Tiến; Khu số 6 là khu vực phát triển đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, An Thượng, Ái Quốc.

Quy mô dân số toàn thành phố Hải Dương đến năm 2030 là khoảng 485.000 người và đến năm 2040 khoảng 668.500 người. Đến năm 2040, thành phố sẽ thành lập thêm 2 phường nội thị là Liên Hồng và Quyết Thắng, diện tích nội thị khoảng 8.400ha và ngoại thị khoảng 2.700ha.

Về định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển lấp đầy 3 khu công nghiệp hiện có theo hướng công nghệ cao, quy mô khoảng 243,82 ha. Duy trì và lấp đầy 4 cụm công nghiệp: Ba Hàng, Thạch Khôi - Gia Xuyên, Việt Hòa và Ngọc Sơn. Quy hoạch mới 3 cụm công nghiệp: Tây Việt Hòa quy mô khoảng 66,2 ha; Tiền Tiến quy mô khoảng 75ha, Đại Sơn - Ngọc Sơn quy mô khoảng 70ha (trong đó diện tích thuộc thành phố khoảng 13,2ha). Định hướng di chuyển cụm công nghiệp Cẩm Thượng và Ngô Quyền ra khỏi trung tâm thành phố, di dời các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong nội đô ra cụm công nghiệp mới đảm bảo môi trường khu trung tâm, chuyển đổi sử dụng đất xây dựng các khu hỗn hợp dịch vụ cho đô thị.

Hoàn thiện trung tâm hành chính mới của tỉnh tại khu vực phía Nam sông Bạch Đằng (phường Trần Phú) và sắp xếp lại vị trí một số trụ sở làm việc của các sở, ngành, đơn vị công lập khi di dời ra khu trung tâm hành chính tập trung. Tại vị trí các công trình hành chính cũ chuyển đổi chức năng thành các không gian, công trình công cộng, khu công viên cây xanh, Trung tâm văn hóa thể dục thể thao, khu hỗn hợp thương mại dịch vụ nhằm tăng giá trị sử dụng đất, bảo đảm không tăng áp lực hạ tầng đô thị...

Phát huy giá trị du lịch dọc sông Thái Bình và sông Sặt. Bảo tồn giá trị thành Đông, xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ gắn kết với tua tuyến du lịch trong tỉnh. Khai thác hiệu quả quỹ đất 200 ha ngoài đê khu vực phường Nhị Châu và phường Nam Đồng với chức năng văn hóa thể thao, dịch vụ giải trí đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ. Quy hoạch mới các khu du lịch gắn với sông Hương và vùng sinh thái nông nghiệp Quyết Thắng, Tiền Tiến…

KT