Đời sống văn hóa

Ninh Bình đã sẵn sàng cho hoạt động kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

KT 14:49 12/04/2023

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, vào ngày 28/4 (ngày 9/3 âm lịch), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2023.

b_17513508042023.jpg
Ninh Bình đã sẵn sàng cho hoạt động kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời vào năm 968 đã mở ra những trang sử vẻ vang, thể hiện sức mạnh của ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình của nhân dân đất Việt. 

Đến nay, sau 1055 năm, những cơ sở, nền móng của Vương triều nhà Đinh xây dựng quốc gia thái bình, thịnh trị vẫn luôn là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam và văn hóa Hoa Lư còn vang vọng đến mai sau. Sau khi hoàn thành sự nghiệp bình định các sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt với niên hiệu Thái Bình. Vùng đất Hoa Lư được chọn làm kinh đô – Trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước. Từ đây, bộ máy chính quyền của nhà nước độc lập, tự chủ được xây dựng, nhằm bảo vệ chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

Từ kinh đô Hoa Lư, Vua Đinh Tiên Hoàng đã tạo dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới. Như, thiết lập đất nước thành 10 đạo với bộ máy chính quyền từ địa phương đến trung ương. Phong Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân đứng đầu quân đội. Bước đầu triển khai các hoạt động kinh tế, mở mang văn hóa, xây dựng mối bang giao với các nước bên ngoài. Bộ máy triều đình được phân làm 2 Ban Văn – Võ. Cùng với các tướng lĩnh, công thần, thì tầng lớp tăng lữ có một vai trò quan trọng trong việc tham mưu, cố vấn cho triều đình công tác nội trị và bang giao.

Đến nay, sau 1055 năm, những cơ sở, nền móng của Vương triều nhà Đinh xây dựng quốc gia thái bình, thịnh trị vẫn luôn là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam và văn hóa Hoa Lư còn vang vọng đến mai sau. Sau khi hoàn thành sự nghiệp bình định các sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt với niên hiệu Thái Bình. Vùng đất Hoa Lư được chọn làm kinh đô – Trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước. Từ đây, bộ máy chính quyền của nhà nước độc lập, tự chủ được xây dựng, nhằm bảo vệ chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

Đồng thời khẳng định lịch sử Nhà nước Đại Cồ Việt là những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập xuyên suốt các triều đại phong kiến về sau.

Sở VH,TT&DL Ninh Bình sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động: Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình - Truyền thống và hiện đại”, trưng bày chuyên đề “Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử”, tổ chức các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, nhiếp ảnh, trại sáng tác sân khấu, mỹ thuật, điêu khắc…

Hiện, Bảo tàng Ninh Bình đã hoàn thành đề cương, nội dung chi tiết trưng bày để nêu bật những nét độc đáo, đặc sắc của Kinh đô Hoa Lư thế kỷ 10 và đầu thế kỷ 11. Các tư liệu và hiện vật trưng bày nhằm giới thiệu đến du khách nét văn hóa đặc sắc thế kỷ 10, thông qua đó giáo dục truyền thống lịch sử thời Đinh - Tiền Lê và giai đoạn chuyển tiếp sang thời Lý.

Kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2023 là dịp để khơi dậy tình yêu, niềm tự hào dân tộc. Nơi các giá trị di sản văn hóa ngàn đời của cha ông được bảo tồn, gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác./.

KT