Chuyển động Hà Nội

Quảng bá văn hoá Việt Nam và con người Thủ đô qua Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12

Ngân Hà 11/04/2023 20:45

Chiều 11/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 với chủ đề "Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

W_hoi-nghi-viet-phap-01-lon.jpeg
Toàn cảnh Họp báo Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 - Ảnh: Ngân Hà.

Tăng cường hợp tác, quảng bá văn hoá, con người Thủ đô

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 (Hội nghị lần thứ 12) diễn ra từ ngày 13 - 16/4 trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023.

Hội nghị là cơ chế trao đổi thường kỳ duy nhất giữa các địa phương Việt Nam với địa phương các nước, diễn ra 3 năm/lần, là dịp để các địa phương hai nước gặp gỡ, trao đổi về các chủ đề cùng quan tâm, đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đô thị, môi trường. Đây cũng được coi là cơ hội để quảng bá, giới thiệu về văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc, con người Thủ đô nói riêng tới bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị.

Theo UBND thành phố Hà Nội, Hội nghị lần thứ 12 tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 04 phiên hội thảo chuyên đề: 1. Đô thị bền vững – trao đổi về quy hoạch và quản lý đô thị, giao thông công cộng, các vấn đề đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; 2. Môi trường, nước và xử lý nước - trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chống biến đổi khí hậu, xử lý rác thải, nước thải, cung cấp nước sạch, giảm thiểu, tái chế rác thải, kinh tế tuần hoàn…; 3. Văn hóa, Di sản và Du lịch - Chia sẻ về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản (vật thể và phi vật thể), phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hợp tác phát triển du lịch; 4. Thành phố thông minh và Số hóa - chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị địa phương… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của Thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Cùng với đó là các cuộc triển lãm, hội thảo bên lề về văn hóa, di sản: Triển lãm “Từ lòng đất đến bảo tàng”: trưng bày các di tích, di chỉ khảo cổ học tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long; Hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long”; Triển lãm “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á”; Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898- 1954.

Ngoài ra, không gian quảng bá các địa phương “Sắc màu Việt Nam” và Lễ hội “Balade en France/Dạo chơi nước Pháp” cũng là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi hoạt động về văn hoá, di sản. Chuỗi sự kiện mang đến cơ hội trải nghiệm văn hóa, ẩm thực cho du khách trong và ngoài nước, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hóa, tiềm năng và những thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và các địa phương của Việt Nam.

Phát triển toàn diện sau đại dịch

Phát biểu tại họp báo, đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Đây là cơ hội đặc biệt để Hà Nội tiếp tục tìm kiếm liên kết và thiết lập những hợp tác mới với bạn bè quốc tế, trong đó có Pháp.”

W_hoi-nghi-viet-phap-03-lon.jpeg
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại họp báo - Ảnh: Ngân Hà.

Năm 2023, với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”, Hội nghị lần thứ 12 là dịp tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp; trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách quan hệ hợp tác, liên kết và thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy” giữa Việt Nam và Pháp; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các mối quan hệ đối tác mới.

Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Hội nghị lần thứ 12 có điểm mới là ngoài những thành tựu chung về phát triển hợp tác 30 năm về văn hoá, giáo dục, môi trường, hai bên địa phương đều đặc biệt quan tâm đến tăng cường hiệu quả của hợp tác kinh tế, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương của hai quốc gia. Đặc biệt là Thủ đô, bên cạnh những hiệu quả về y tế, văn hoá, giáo dục, Hà Nội cần tăng cường hợp tác về kinh tế để tương xứng với những tiềm năng của Thủ đô và các địa phương của Pháp.”

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 dự kiến có sự tham gia của 50 địa phương Việt Nam, 12 địa phương Pháp với trên 800 đại biểu của cả phía Việt Nam và Pháp, bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các chính quyền địa phương, đại diện các Hội hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, nhân sỹ trí thức Việt kiều yêu nước tại Pháp, đại diện các dự án hợp tác giữa Việt Nam - Pháp, một số tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Pháp.

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp là một trong những hợp tác quốc tế cấp địa phương phát triển nhất của cả hai nước, xét về số lượng đối tác tham gia hợp tác, cũng như về mức độ cam kết tài chính và quy mô hợp tác. Các địa phương của Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị: Huế (lần thứ 6), Hải Phòng (lần thứ 8), Cần Thơ (lần thứ 10)./.

Ngân Hà