Tác giả - tác phẩm

Mùa hoa thương nhớ

Bành Thị Mai Phương 06:13 11/04/2023

Tháng 4, tháng của mùa hoa loa kèn mang đến cho người Hà Nội biết bao xúc cảm. Nhưng với tôi, tháng 4 lại gợi nhớ những ký ức không thể nào quên, gắn với nỗi nhớ khắc khoải về người cha kính yêu nay đã đi xa.

Đó là những ngày cuối tháng 4 năm 1975, thời điểm cả nước sôi sục khí thế tiến về giải phóng Sài Gòn. Không thể bỏ lỡ cơ hội nắm bắt thực tiễn sáng tác, Xưởng phim truyện Việt Nam (nay là Hãng Phim truyện Việt Nam) với chức năng chủ yếu là quay phim truyện nhựa đã kịp thời cử các nghệ sĩ vào loại tinh nhuệ nhất tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Họ được chia thành 4 nhóm nhỏ, đi từ số 4 Thụy Khuê trên những chiếc xe U-oát màu xanh của Nga rất đặc trưng lúc bấy giờ. Mỗi nhóm có đầy đủ các thành phần chủ yếu của khối sáng tác bao gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, thu thanh… do đạo diễn phụ trách.

Nhóm thứ nhất có đạo diễn Hải Ninh, biên kịch Hoàng Tích Chỉ, quay phim Nguyễn Khánh Dư, thu thanh Đặng Đình Hùng. Nhóm thứ hai có đạo diễn Trần Vũ, biên kịch Bành Bảo, quay phim Trần Xuân Thủy… Các nhóm khác có nhà biên kịch Bành Châu, Cầm Kỷ, Phan Vũ - tác giả trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc; các đạo diễn Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh cùng quay phim Lưu Xuân Thư, Trần Trung Nhàn; các lái xe Trần Thúy Lan, Hoàng Văn Việt…
Dù đã được cha thông báo trước nhưng khi nhìn thấy ông mang từ cơ quan về toàn bộ quân trang cho một người lính bước vào chiến dịch, gồm quần áo, giày dép, tăng, mũ, đèn pin… nhét trong chiếc ba lô con cóc, mấy mẹ con tôi vẫn không giấu được cảm giác bàng hoàng, lo lắng, nhất là khi cha tôi nói chuyến đi này sẽ vất vả và cũng không kém phần nguy hiểm, bởi muốn nắm bắt được hơi thở của cuộc chiến thì các nghệ sĩ phải tiếp cận thật nhanh không khí của những thành phố vừa được giải phóng. Điều đó cũng có nghĩa, chuyến đi này của cha không thể nói trước điều gì, việc dính phải mũi tên hòn đạn là điều khó tránh khỏi.

anh-2.jpg
Niềm vui được gặp cha khi kết thúc chiến dịch.

Thế rồi một buổi tối sau đó, cha tôi được lệnh lên đường. Tất cả các nghệ sĩ tham gia chiến dịch đều mặc quân phục, đội mũ tai bèo tập trung ở số 4 Thuỵ Khuê. Những chiếc xe U-oát mới tinh sơn màu lá nguỵ trang xếp thành dãy dài bên lề đường trước vườn hoa Lý Tự Trọng. Nhà đông anh chị em nhưng tôi là người được tiễn bố buổi tối hôm đó, bởi anh cả đang đóng quân ở miền Đông Nam bộ, chị thứ hai mới sinh thêm cháu trai, cậu em út bận thi tốt nghiệp PTTH... Cha chở tôi trên chiếc xe đạp cũ của Pháp, với lỉnh kỉnh quân trang của một người lính ra trận.

Có khá nhiều vợ con của các nghệ sĩ đi tiễn người thân ra trận, đa số họ và con cái họ (sau này) đều làm trong ngành điện ảnh. Cùng trang lứa với tôi có thể kể đến đạo diễn, NSND Nguyễn Phương Hoa - con gái NSND Trần Vũ; đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân - con trai NSND Nguyễn Hải Ninh; dựng phim Hoàng Thị Định - con gái nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ… Tôi không bao giờ nghĩ sau này sẽ trở thành học trò, rồi đồng nghiệp của bố Bành Bảo và chú Bành Châu, gắn bó với Hãng Phim truyện Việt Nam, với số 4 Thuỵ Khuê tới 33 năm.

Đã đến giờ xuất phát, tất cả những chiếc xe U-oát đồng loạt nổ máy. Mọi người bịn rịn chia tay. Ai cũng sụt sùi lưu luyến vì lúc đó miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng. Số 4 Thụy Khuê đêm ấy thật sự xáo động. Với tôi, thời khắc chiếc xe chở cha chạy đi trong cái ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn đường là một kỷ niệm không thể nào quên. Đạp xe về một mình trong đêm vắng, cảm giác hụt hẫng ấy thật sự khủng khiếp…

anh-1-nghe-si-xuong-ptvn-tren-deo-hai-van-thang-4.1975.jpg
Các nghệ sĩ dừng chân trên đèo Hải Vân khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975.

Những ngày sau đó, cả nhà tôi thấp thỏm chờ đợi, căng thẳng dõi theo bản tin chiến sự miền Nam, bởi nó gắn liền với số phận của những người thân yêu là cha và anh trai. Càng hoang mang hơn khi được tin cha phải dừng lại ở Nha Trang để mổ ruột thừa, và người mổ cho cha là một nữ bác sĩ xinh đẹp giỏi giang của chế độ cũ. Tôi từng được nghe cha kể lại chuyện này với khá nhiều tình tiết dí dỏm, lãng mạn. Những cảm xúc của một người nghệ sĩ khi số phận vô tình đưa đẩy, phải giao tính mạng cho một kíp mổ gồm những người hoàn toàn xa lạ bên kia chiến tuyến. Rất may ca mổ đã thành công tốt đẹp, cha nhanh chóng đuổi kịp đoàn quân của Xưởng phim truyện Việt Nam tiến vào tiếp quản Sài Gòn. Cả nhà vỡ òa niềm vui vì ngoài việc cha vẫn mạnh khỏe bình an thì còn tin cha đã gặp được người anh trai cả đi chiến trường từ 9 năm trước.

Ngay sau khi tiếp quản thành phố, những bộ phim tài liệu của các nhóm đã được gấp rút hoàn thành. Nhóm của đạo diễn Hải Ninh có phim “Thành phố trước lúc rạng đông” - Giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam năm 1977 và rất nhiều giải thưởng tại các LHP Quốc tế khác. Nhóm của đạo diễn Trần Vũ có phim “Qua cầu Công Lý”. Nhóm của đạo diễn Đặng Nhật Minh có phim “Tháng năm những gương mặt” - Giải Bông sen Bạc LHP Việt Nam năm 1977. Nhóm của đạo diễn Bùi Đình Hạc có phim “Sài Gòn, tháng 5 năm 1975”. Đó chính là thành quả của những tháng ngày hào hùng không thể nào quên trong ký ức của các nghệ sĩ. Lần lượt về sau, những tư liệu của chuyến đi thực tế đặc biệt ấy đã được họ sáng tác thành những bộ phim truyện nhựa trong kế hoạch sản xuất của Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam.

Gần 50 năm đã trôi qua, hầu hết những nghệ sĩ tham gia chiến dịch ngày ấy đều đã được Nhà nước ghi nhận bằng những giải thưởng danh giá của LHP Việt Nam và LHP Quốc tế; những danh hiệu cao quý NSND, NSƯT. Có 4 nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm đạo diễn - NSND Nguyễn Hải Ninh, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ. Có thể kể đến những bộ phim truyện nhựa làm nên bộ mặt của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam như: “Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm”, “Mối tình đầu” của cặp biên kịch - đạo diễn: Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh; “Đến hẹn lại lên”, “Những người đã gặp” của cặp biên kịch - đạo diễn: Bành Bảo - Trần Vũ; “Đường về quê mẹ” của cặp biên kịch - đạo diễn Bành Châu - Bùi Đình Hạc; “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Đừng đốt” của NSND Đặng Nhật Minh... Giờ đây, nhiều nghệ sĩ trong đoàn quân năm ấy đã đi xa, rất rất xa, nhưng những tác phẩm điện ảnh mà họ để lại sẽ không bao giờ mất đi, sẽ vĩnh viễn tồn tại trong ký ức đẹp của rất nhiều người, trong đó có những đứa con đi tiễn cha ra trận năm ấy như tôi…

Cha ơi! Ký ức đẹp sẽ giúp cho con sống tốt hơn lên, phải vậy không cha?

Bành Thị Mai Phương