Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh (thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 14:15 10/04/2023

Xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, không chỉ nổi danh là một ấp hai vua mà còn nổi tiếng về nhiều di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng. Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh hay thường gọi là nhà thờ họ Giang là một di tích như vậy.

Nhà thờ nằm ở giữa làng Mông Phụ, cách đình Mông Phụ khoảng 50m, ngôi nhà thờ đã có hơn 150 tuổi. Theo nội dung văn bia “Giang thị Từ đường bi ký” do Giải nguyên Giang Văn Hiển soạn năm Tự Đức thứ 2 (1849), thì ngôi từ đường được xây dựng từ mùa xuân năm Ất Dậu, Thiệu Trị thứ 5 (1845). Nhà thờ được kiến trúc theo hình chữ “nhị” gồm Bái đường và Hậu đường. Bái đường là một ngôi nhà 5 gian, làm theo kiểu tường hồi bít đốc với 2 mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ dải làm theo kiểu bờ định đơn giản, hai đầu bờ nóc là 2 đấu đinh. Các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bẩy”, trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Đặc biệt cột hiên của Bái đường được xây bằng gạch có tiết diện vuông, bên trong có viết trực tiếp các câu đối có lạc khoản khắc chìm vào tường. Từ Bái đường qua một khoảng sân hẹp lát gạch là đến nhà thờ chính. Nhà này được chia làm hai phần mà ta quen gọi là Nội tự ngoại khách, phần Nội tự là phần chính, nơi thờ tự của dòng họ. Hậu đường được chia làm 3 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói ri, bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh, 2 đầu bờ nóc đắp 2 đầu đinh, cuối bờ dải xây giật cấp bằng vôi vữa, hai bên xây 2 cột đồng trụ có tiết diện vuông, đỉnh trụ đắp hoa sen.

Theo cuốn Gia phả họ Giang và tấm bia đá “Giang thám hoa công truy trạng bi” và tấm bia đá “Bản xã Tiên Hiền bi ký” khắc năm Vĩnh Tộ thứ nhất triều Lê Thần Tông (1619) còn ghi: Tướng công dòng họ Giang, huý Văn Minh, tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung tiên sinh, người quê ấp Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, Sơn Tây. Tướng công Giang Văn Minh sinh vào giờ Tuất, ngày Nhâm Ngọ, năm Quý Dậu. Tương truyền: Thuở nhỏ, ông là bạn học với hai tiến sĩ là Phùng Công Thế ở Kim Bí và Lã Công Thời người làng Cam Đà. Năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, ông dự khoa thi Đình và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, Cập đệ tam danh (tức Thám hoa) và được bổ làm quan giữ chức Binh khoa đồ cập tự chung. Năm Đức Long thứ 3 (1631), được thăng lên Bộc tự khanh hưởng phúc lộc bá. Vào mùa đông năm ấy (11/1631), chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng lệnh cho con thứ là Tả phủ tây quận công Trịnh Tạc đi trấn giữ Nghệ An, Giang Văn Minh được chỉ định xem xét đốc xuất các quan thi hành mệnh lệnh, ngăn cấm không để trong vùng xảy ra tai biến. Năm Dương Hoà thứ 3 (1637), tức là năm thứ 10, hiệu Sùng Trinh, triều Minh (Trung Quốc), ông được vua Lê Thần Tông cử làm Chánh sứ, dẫn đầu phái bộ của triều đình An Nam đi sứ sang Trung Quốc để nộp đồ tiến cống và cầu phong cho vua Lê. Khi phái bộ của ta đến Yên Kinh gặp lúc tiết Khánh thọ của vua Minh, nên không được tiếp, phải ở ngoài dịch xá chờ đợi. Bọn đại thần nhà Minh tỏ ý khinh thường sứ thần An Nam không tiếp, lại còn hạch sách đủ điều, đòi bằng được người cống vàng để đòi nợ Liễu Thăng đã có lệ từ thời Lê - Mạc. Sau gần một năm chờ đợi ở ngoài dịch xá, phái đoàn của ông mới được vua Minh mời vào hội kiến. Trong khi tiếp kiến vua nhà Minh, ông đã dùng lời lẽ đối đáp hùng hồn, có tình có lý, khiến vua Minh phải phá lệ tiến cống người bằng vàng để trả nợ Liễu Thăng năm xưa. Để thử tài sứ thần An Nam, vua Minh dõng dạc ra một vế đối:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục

Nghĩa là:

Cột đồng trụ đến nay rêu đã phủ

Nghe xong, căm giận đối với sự xúc phạm dân tộc mình, ông đã kiêu hãnh đáp lại:

Đằng giang tự cổ huyết do hồng Nghĩa là:
Sông Bạch Đằng từ trước máu còn tươi

Vế đối hoàn chỉnh, lời lẽ đanh thép, ông có ý dùng điển cũ Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938), Lê Hoàn đánh tan quân Tống và Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng để nhắc lại cái nhục của quân xâm lược phương Bắc đã bao lần sang xâm lược nước Nam đều bị thất bại thảm hại Khiếp phục trước tài ứng xử và trí thông minh của vị sứ thần nước Nam, vua Minh uất ức, bất chấp luật lệ giao bang mà ghép sứ thần nước ta vào tội làm nhục Thiên triều; sai triều thần xử tội chết vào ngày 2 tháng sáu năm Dương Hoà thứ 5 (1639) tức năm Sùng Trinh thứ 12 triều Minh (Trung Quốc). Thám hoa Giang Văn Minh thọ 66 tuổi.

Sau khi giết hại ông, vua Minh lại khen ông là người tiết tháo, bèn sai lấy thuỷ ngân ướp xác, cho ngậm nhân sâm và cho vào quan tài đóng kín giao cho phái bộ nước Nam chuyển thi hài ông về nước và được an táng tại gò Đống, trước mặt khu đồi Văn Miếu.

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh còn bảo lưu được nhiều di vật, trong đó có những di vật quý như: 3 bia đá có số đo tương tự nhau: Cao 60cm; 4 hoành phi gỗ, trên bốn bức đều ghi rõ: Long phi Nhâm Tí Tự Đức ngũ niên tam nguyệt cát nhật cung tạo (làm vào ngày lành tháng 3, năm Nhâm Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 5 - 1852); 1 biển gỗ, trên biển gỗ có ghi những người cung tiến tiền của để xây dựng từ đường, lạc khoản đề Thiệu Trị ngũ niên tam nguyệt (tháng 3 năm Thiệu Trị thứ 5 - 1845); 4 biển gạch sơn sơn thếp vàng, 2 mặt đều có chữ Hán; 1 bộ ngai thờ chạm rồng sơn son thếp vàng.

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá, dạng lưu niệm danh nhân năm 1984./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)