Sức sống mùa xuân trong văn học trẻ Hà Nội
Thế hệ trẻ trong văn chương hiện nay đang ở đâu? Các gương mặt trẻ viết văn ở Hà Nội hiện nay có thể kể đến ai? Và đâu là những chuyển động mới trong sáng tác của các cây viết trẻ hiện nay... Đó cũng chính là nội dung của buổi tọa đàm “Sức sống mùa xuân trong văn học trẻ Hà Nội” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng ngày 10/4/2023 tại hội trường Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, số 19 Hàng Buồm, Hà Nội.
Đại diện Hội Nhà văn Hà Nội, Ủy viên BCH Hội, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mở đầu buổi tọa đàm bằng những giới thiệu đầy hi vọng và tin tưởng vào thế hệ nhà văn trẻ. Thông qua việc giới thiệu các tác phẩm mới ra mắt là Tại sao ta yêu? của Hiền Trang, Sống hai cuộc đời: Nhân sinh kép của Đức Anh và Thị trấn mùa đông của Nhật Phi, ông nhấn mạnh: Bằng những không gian khác, thế giới khác, các tác giả trẻ buộc chúng ta phải có một cách đọc khác.
Tại sao ta yêu? là tập tiểu luận viết về tình yêu say mê của tác giả dành cho các vĩ nhân trên thế giới, từ âm nhạc, văn chương tới điện ảnh, mỹ thuật. Những cái tên mà Hiền Trang đã mê đắm kể ra như: Frédéric Chopin, Norah Jones, Leonard Cohen, The Beatles đến Haruki Murakami, Oscar Wilde, Vladimir Nabokov, Franz Kafka, Patrick Modiano, Yasujiro Ozu, Woody Allen, Audrey Hepburn, Vương Gia Vệ, Trương Quốc Vinh, Vincent van Gogh, Claude Monet.
Còn Sống hai cuộc đời: Nhân sinh kép là cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời của nhân vật sống trong hai thân xác nhưng lại sở hữu chung một linh hồn và những phức tạp xung quanh. Và tiểu thuyết Thị trấn mùa đông của Nhật Phi là một thế giới giả tưởng, nơi những người bất hạnh vô tình lạc đến rồi tìm thấy nơi trú ẩn khỏi bạo hành, vô minh và các thế lực siêu nhiên hiện hữu như đời thường...
Đại diện CLB Văn học trẻ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh chia sẻ khi nhắc tới tác phẩm của Nhật Phi: “Nếu xóa tên tác giả ở bìa sách Thị trấn mùa đông, người đọc sẽ nghĩ rằng đây là một tác phẩm không phải của tác giả Việt Nam. Điều này cho thấy tác giả đã tạo ra một không gian sáng tạo không biên giới. Và tác giả cũng đã vận dụng tri thức toàn cầu mà anh đã tiếp cận được từ khả năng ngoại ngữ”.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Bùi Việt Mỹ đặt ra nhận định và cũng là một vấn đề: Từ trước tới nay chúng ta vẫn xác định rằng một tác phẩm thành công, tác giả cần có vốn sống phong phú. Nhưng những tác giả trẻ ở đây, như Nhật Phi, Đức Anh, đã tưởng tượng ra một thế giới của người ngủ thuê và nhân sinh kép – những thứ này không liên quan tới vốn sống. Hay như Hiền Trang, đề cập đến các vĩ nhân với những điều tưởng chừng như xa vời và có một thực tế là Hiền Trang không sống cùng thời với họ hoặc không có cơ hội tiếp cận nhưng đã thông hiểu được tư tưởng của họ. Và các cây viết trẻ đã rất thuyết phục độc giả. Vậy quan trọng hơn là gì? Chứng tỏ các tác giả đã rất thông minh để có những phương pháp tiếp cận đời sống khác nhau. Nhưng các phương pháp đó là gì?
Đáp lời nhà văn Bùi Việt Mỹ, tác giả trẻ Nhật Phi chia sẻ: Đối với anh, quả thật anh không có vốn sống của một nhân vật lái grab như trong sáng tác. Nhưng bằng những quan sát rất kỹ và quan sát nhiều chiều, anh tạo ra được một nhân vật chạy grab gần gũi và chân thực nhất có thể.
Có một sự thật là thế hệ trẻ bây giờ có nhiều cơ hội tiếp cận tri thức hơn thế hệ trước, thông qua sách báo, internet... Và văn chương là hư cấu, thế nên, ngoài vốn sống, một tác giả cần có trí tưởng tượng phong phú là lẽ dĩ nhiên. Điều quan trọng không kém, đó là tri thức, là vốn đọc. Ngoài Hiền Trang, Đức Anh, Nhật Phi, trước và sau đó vẫn còn nhiều tác giả văn xuôi đã để lại những dấu ấn sáng tạo văn chương đáng kể. Đó là những Hà Thủy Nguyên, Đinh Phương, Tru Sa, Cao Nguyệt Nguyên, Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong, Huỳnh Trọng Khang, Hoàng Công Danh, Phạm Giai Quỳnh, Phạm Thu Hà, Phan Đức Lộc, Tống Phước Bảo...
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn rất lạc quan khi nhắc tới trong số rất nhiều người trẻ làm thơ hiện nay, có thể kể đến những cây viết trẻ thế hệ 8X – 9X đầy năng lượng và đạt nhiều giải thưởng gần đây như: Lý Hữu Lương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nam Thi, Nam Thiên Phú...
Kết thúc buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: Các tác giả không chỉ cần đọc nhau mà cần tìm kiếm, đọc rộng ra văn chương thế giới. Haruki Murakami hay Frank Kafka, thế hệ chúng ta liệu có đọc rộng như thế hệ trẻ bây giờ? Văn học trẻ hôm nay với sức sống mùa xuân của họ đã mang đến một hơi thở mới, mang đến cho chúng ta một cách thưởng thức mới, cách đọc và cách nhìn mới.