Đình Động Lãm (quận Hà Đông)
Từ trung tâm thành phố Hà Nội đến ngã ba Ba La rẽ trái theo đường 22 khoảng 2km là tới địa phận xã Phú Lương sau đó rẽ trái theo đường liên thôn là tới thôn Động Lãm, di tích toạ lạc ở giữa làng.
Đình được gọi theo tên thôn là đình Động Lãm, truyền thuyết kể rằng, ngôi đình được nhân dân khởi dựng từ lâu đời, đến cuối thời Nguyễn thì xây dựng lại toàn bộ để thờ ông Nguyễn Công Hiển, một vị tướng tài ba thời nhà Trần. Ngoài ra, đình Động Lãm còn là nơi chứng kiến nhiều trận chiến đấu của du kích Bắc huyện Thanh Oai.
Hiện tại, đình có bố cục kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung và các hạng mục phụ trợ khác. Từ ngoài vào là cổng có kết cấu kiểu 4 trụ lớn và hai trụ biểu nhỏ tạo thành ba lối đi chính, xung quanh có hệ thống tường bao.
Đại bái đình là toà nhà 5 gian 2 chái, các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “kèo cầu quá giang trốn cột” với 3 cặp đối xứng nhau trên 10 cột gỗ, 6 cột gạch và 6 cột trốn. Trên các bộ vì có 8 bức cốn, 2 bức cốn giữa được các nghệ nhân chạm tích tứ linh (long, ly, quy, phượng), phượng hàm thư, miệng với ngậm một dải lụa buộc hòm sách, các bức cốn khác chạm theo đề tài tùng lộc, anh hùng tương ngộ, voi và phượng, song mã đua tài... Ngoài ra, trên các bức cốn này còn chạm nổi hình hoa lá hoá rồng, hoá phượng, dơi ngậm chữ Phúc.
Đình Động Lãm còn bảo tồn nhiều di vật quý như hương án chạm bong kênh có nhiều tầng hoa văn, đỉnh đồng, ngai thờ, sắc phong mà đạo sớm nhất được phong tặng vào năm Cảnh Thịnh. Ngoài ra còn có cuốn thần phả chép sự tích đức Thành hoàng làng Nguyễn Công Hiển, một tướng giỏi thời nhà Trần. Thần phả sách có niên đại thời Lê, niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572).
Với những giá trị văn hoá, lịch sử như vậy, ngày 3 tháng 2 năm 1986, đình Động Lãm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01