Check in Hà Nội

Gò Đống Đa - đền Trung Liệt

Sơn Dương (t/h) 15:14 09/04/2023

Gò Đống Đa, một gò đất lớn nằm ở cuối phố Tây Sơn và Đặng Tiến Đông, thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là 1 trong 13 cái gò còn lại, ghi chiến công của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ tiêu diệt 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long vào tết Kỷ Dậu (1789).

Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống, sau khi nghe Nguyễn Hữu Chính chống lại Tây Sơn thất bại, đã chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Mãn Thanh mượn cớ giúp Lê Chiêu Thống, đã cho Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang đánh chiếm nước ta. Vua Quang Trung đã mở cuộc hành quân thần tốc, từ Phú Xuân (Huế), chỉ trong 5 ngày đã tiêu diệt hàng vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Đặc biệt, trận hạ đồn Khương Thượng.

Nhân dân 9 làng xung quanh đã bí mật dùng rơm rạ bện thành những con rồng, rồi tẩm dầu đốt, tạo thành một trận rồng lửa bao vây và tiêu diệt đồn giặc. Sau trận đánh, xác giặc đầy đồng, nhân dân phải thu nhặt lại, xếp thành đống rồi phủ đất lên. Tất cả có 12 gò, được gọi là Kình nghệ kinh quán (nơi chôn xác cá kình, cá nghê - tức xác giặc). 65 năm sau (1854), khi mở đường và mở chợ trên cánh đồng cũ thuộc 2 làng Thịnh Quang và Nam Đồng, nhân dân lại thu nhặt được rất nhiều hài cốt quân Thanh, xếp lại thành gò thứ 13, tức gò Đống Đa. Gò này ở gần núi ốc (Loa Sơn) là chỗ tướng giặc Sầm Nghi Đống đã treo cổ tự tử (núi ốc hiện nay không còn).

Đến thời Pháp, thực dân Pháp đã cấp xứ Đống Đa cho Kinh lược sử Bắc kỳ Hoàng Cao Khải. Khải bắt dân san gò, lấp ao để xây dinh thự, chỉ để lại gò thứ 13 và cho xây đền Trung Liệt ở trên gò.

Đền Trung Liệt được xây trên gò Đống Đa. Đền này mới có từ những năm cuối thế kỷ XIX. Khi đó Hoàng Cao Khải mới xây dựng khu ấp Thái Hà (năm 1893). Ông ta cho dời đền Tam Trung ở thôn Vân Tần (nay là phố Nguyễn Khuyến) về đỉnh gò này. Đền vốn thờ ba vị trung thần - liệt sĩ Đoàn Thọ, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Khi dời về đây, Hoàng Cao Khải cho thờ thêm Trương Quốc Duy, cũng là vị quan hy sinh trong khi đánh dẹp thổ phỉ, đổi tên là đền Song Trung, Nhị Liệt, gọi tắt là Trung Liệt. Đền Trung Liệt cũng còn gọi là miếu Trung Liệt. Tại cổng “Trung Liệt miếu” còn đôi câu đối:

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trận, dự xích địa Vị nhật tinh, vị hà nhạc, thập niên tâm sự công thanh thiên.

Dịch nghĩa:

Ấy thành quách, ấy núi sông, trăm trận phong trần, dư thước đất Vì trời sao, vì sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.

Sau này ở phía sau gò Đống Đa, Nhà nước ta đã dựng tượng Quang Trung rất lớn cùng phù điêu mô tả trận đánh và chiến thắng Đống Đa lịch sử.

Hằng năm, vào ngày mùng 5 tết Nguyên đán, nhân dân Hà Nội và cả nước lại về gò Đống Đa để mở hội, kỷ niệm ngày chiến thắng Đống Đa, giải phóng Thăng Long. Hội gò Đống Đa là hội lớn của Hà Nội, có nhiều trò vui, giải trí, đặc biệt có tiết mục rước rồng lửa để ôn lại trận rồng lửa vang dội chiến công của quân dân ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của người anh hùng dân tộc kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Gò Đống Đa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử năm 1962./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)