Đình Đông Viên (huyện Ba Vì)
Thôn Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì có một ngôi đình cổ kính, bề thế, là một di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thời Lê Trung hưng. Đình nằm về phía tây, cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 50km.
Đình tọa lạc trên địa vực đất Phong Châu, nơi các vua Hùng định Quốc đô nước Văn Lang. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tại nơi đây dấu ấn của người Việt cổ thời dựng nước như: các công cụ, đồ gốm nằm trong lòng đất có niên đại cách ngày nay 4000 năm và hệ thống truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh - một trong những anh hùng khai sáng ở buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Khu vực này cũng là nơi tập trung những kiến trúc đình làng nổi danh toàn quốc như đình Chu Quyến, Tây Đằng...
Đình nằm trên khu đất cao, rộng rãi giữa làng, nhìn về hướng tây, bao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Tả vu, Đại đình. Nghi môn 3 gian hai tầng 6 lá mái, các góc đao cong. Bộ khung Nghi môn có 4 vì 3 hàng chân, kết cấu kiểu “thượng rường, hạ bẩy”, liên kết với nhau bằng các xà đơn thượng, hạ.
Sau Nghi môn là sân gạch rộng, bên phải sân có nhà Tả vụ 5 gian xây tường hồi bít đốc, tay ngại, vì kèo quá giang, giá chiêng, trụ trốn đơn giản. Đại đình có kiến trúc chính chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung dựng trên nền cao 1,1m. Đại bái dàn ngang, to rộng với bốn mái chảy dài. Bốn bộ vì theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiện” trên 6 hàng cột, mang những đặc trưng kiến trúc đình làng thế kỷ XVII. Trước đây Đại bái có hệ thống sàn gỗ và cửa bức bàn bao quanh, nay đã bị mai một, nội thất để trống.
Hậu cung chạy dọc hai gian nối liền với Đại bái ở gian giữa: gian ngoài hai mái, còn gian trong được làm hai tầng mái giống như Phương đình. Trong Hậu cung làm sàn cao, cách biệt với Đại bái bằng bộ cửa bức bàn.
Đình Đông Viên ra đời từ thế kỷ XVII và được trùng tu ở thời Nguyễn, vì thế nghệ thuật điêu khắc trang trí trong kiến trúc mang dấu ấn của hai giai đoạn nghệ thuật khác nhau. Ở Nghi môn, các mảng chạm của thế kỷ XVII còn đậm đặc trên cốn rường, ván nong với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong nhiều lớp thể hiện các đề tài: độc long, rồng ổ, mả táng hàm rồng. Ở Đại đình, các bức chạm lộng, chạm nổi, bong kênh về đề tài rồng, phượng, ngựa, hươu, chim và con người... được thể hiện phong phú, sinh động, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam thế kỷ XVII. Dù được tu bổ sửa chữa ở các thời sau, đình Đông Viên vẫn giữ được vẻ đẹp của một ngôi đình cổ.
Thành hoàng thờ ở đình Đông Viên là Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, tức Sơn Tinh - vị thần Núi được thờ phổ biến, nhất là ở vùng đất cổ xứ Đoài, đã giúp Hùng Vương đánh giặc và trị thuỷ, trở thành đệ nhất phúc thần trong tín ngưỡng dân gian người Việt.
Hiện nay tại đình còn lưu giữ nhiều di vật với nhiều loại hình và niên đại khác nhau. Các di vật gồm: hoành phi, câu đối, kiệu rước, hương án, long ngai bài vị, hạc thờ, choé sứ, thần phả, ba sắc phong, tượng, gạch trang trí... đều có niên đại thế kỷ XVIII - XIX.
Đình Đông Viên được Bộ văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01