Check in Hà Nội

Đình, miếu Đông Dương (huyện Ứng Hoà)

Sơn Dương (t/h) 20:53 09/04/2023

Đình, miếu Đông Dương, thuộc thôn Đông Dương, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hoà. Vào thời Nguyễn, thôn Đông Dương thuộc tổng Phương Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông.

Hiện tại, đình miếu Đông Dương còn lưu giữ được cốn thần phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1470, triều Lê, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất. Thần phả cho biết, đình, miếu Đông Dương thờ hai vị Thành hoàng là Long cung uy khang kiên tri thông quốc đại vương và Nguyễn Suý hùng lược sùng phúc trụ quốc đại vương dưới thời vua Hùng. Hai vị Thành hoàng vốn là hai anh em. Thân phụ người họ Trương, quê ở Trang Châu, huyện Kim Bảng. Thân mẫu người họ Phùng. Thuở nhỏ, hai anh em đã bộc lộ là người thông minh, chính trực, ham học hỏi. Trên đường tầm sư học đạo gặp thánh Tản Viên và được Thánh Tản nhận làm đệ tử. Từ đó, hai anh em nổi tiếng khắp vùng. Khi đất nước có giặc xâm lăng, vua Hùng triệu mời Tản Viên về triều bàn kế đánh giặc. Thánh Tản Viên liền cho người gọi hai anh em vào triều và được nhà vua tin dùng và phong cho một vị là Thuỷ đạo chánh tiên phong Tả tướng quân bình giám quốc sự vụ, một vị là Phó tướng tiên phong kiêm phụ quốc sự vụ. Trên đường đi đánh giặc, hai vị về trang Đông Dương và ở đây tuyển thêm người đánh giặc. Trải qua nhiều trận đánh lớn nhỏ, quân giặc thua to. Nhà vua mở tiệc khao thưởng binh tướng, ban cho hai vị thực ấp ở trang Đông Dương.

Đình Đông Dương có kết cấu kiến trúc chữ “nhị” với Đại bái và Hậu cung. Các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng” trên 4 hàng chân cột. Nghệ thuật chạm khắc chủ yếu là các đề tài hoa lá và rồng phượng mang phong cách thời Nguyễn.

Tương truyền, miếu ở trên thế đất hình con rùa vàng, ngoảnh ra sông Kim Ngưu mà nay chỉ còn khúc sông biến thành hồ nước. Giữa hồ có một gò tròn nổi như viên ngọc. Ngôi miếu này có kiến trúc kiểu chữ “đinh”: gồm Tiền tế 3 gian và Hậu cung 2 gian. Đây là một công trình có niên đại thời Nguyễn với kiểu tường xây hồi bít đốc. Các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng và chồng rường” nhưng ít chạm khắc trang trí, chủ yếu là chạm hoa văn lá lật. Trong Hậu cung có bài trí các đồ tế tự, đáng chú ý nhất là bộ long ngai bài vị thời Nguyễn.

Đình, miếu Đông Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)