Nhà thờ họ Đỗ Quang (huyện Mê Linh)
Nhà thờ họ Đỗ Quang thuộc thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Theo những ghi chép trong tộc phả thì nhà thờ họ Đỗ Quang được xây dựng vào đời vị tổ thứ 6 là Đỗ Quang Trạch sinh năm 1629, mất năm 1689. Khi đó nhà thờ được xây dựng với quy mô lớn và kiên cố, vật liệu hoàn toàn bằng đá xanh và gỗ tốt (hiện nay vẫn còn các ngưỡng cửa đá xanh). Truyền đến đời thứ 9 - Đỗ Quang Tĩnh (khoảng nửa cuối thế kỷ XIX) do điều kiện thăng trầm của lịch sử và sự huỷ hoại của thiên nhiên, nhà thờ bị hư hỏng nặng. Năm 1930, trên cơ sở kiến trúc cũ, dòng họ Đỗ Quang đã dựng lại nhà thờ và năm 1948, tu bổ thành kiến trúc như hiện nay gồm một toà 5 gian hình chữ “nhất”, ba ô cửa ra vào rộng tạo cho không gian thông thoáng. Phía trước nhà thờ có khoảng sân lát gạch sạch sẽ. Hai bên đầu hồi trước xây trụ vuông khá đẹp. Đỉnh trụ đắp hình nghề chầu, thân ghi hai đôi câu đối bằng chữ Hán.
Cùng với kiến trúc chắc, khoẻ, nhà thờ họ Đỗ Quang còn bảo lưu được nhiều hiện vật cổ quý bằng đồng, gỗ, đá, gốm, sứ và giấy được tạo dựng bằng nghệ thuật chạm khắc tinh vi, điêu luyện thể hiện đôi bàn tay khéo léo, khả năng tư duy mang đầy tính sáng tạo của các nghệ nhân thủa trước.
Theo tộc phả, tổ tiên họ Đỗ Quang có từ thời Tiền Lê (thế kỷ X), nhiều người tham gia triều chính (giai đoạn này không chép được cụ thể). Đến thời Hậu Lê, ngày 9 tháng 5 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông, Đỗ Thế Khanh hiệu là Phúc Thụ chép lại tộc phả. Tháng 1 năm Ất Mão niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3 (1742), Đỗ Ngô Châu chép lại tộc phả và biên tiếp. Ngày 11 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Đỗ Nhân Tiềm hiệu là Phúc Hưu sao lại và chép tiếp. Ngày 24 tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), Đỗ Quang Huy hiệu là Đốc Thực sao lại và biên tiếp. Tháng 2 năm Tự Đức thứ 19 (1866) trưởng tộc Đỗ Quang Tĩnh hiệu là Phúc Chân tập hợp biên chép tộc phả họ Đỗ Quang một cách hoàn hảo, toàn diện và trên cơ sở đó đến đời Đỗ Quang Trí mới chép tiếp và để lại như ngày nay.
Danh tiếng họ Đỗ Quang có từ thời Tiền Lê, trải đến đời Hậu Lê và thời Nguyễn đều có nhiều người đỗ đạt và làm quan. Điển hình như: Đỗ Quang Trạch, Đỗ Thế Dung, Đỗ Vũ Thuật, Đỗ Quang Tĩnh. Những người họ Đỗ Quang làm quan đều đức độ thanh liêm được nhân dân yêu quý, triều đình tin tưởng.
Nhà thờ họ Đỗ Quang được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2000./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01