Đức Thành hoàng làng Vạn Phúc
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:43, 07/03/2021
Đình làng Vạn Phúc đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 2005
Hỡi cô thắt áo lưng xanhCó về Vạn Phúc với anh thì về
Vạn Phúc có cây đa đề
Có ao tắm mát có nghề cửi canh
Phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) xưa có tên là làng Vạn Bảo thuộc xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Cuối thế kỷ XIX do kiêng tên húy của vua Thành Thái (1889 – 1906) là Bửu (Bảo Lân) nên đổi tên là Vạn Phúc như ngày nay.
Vạn Phúc là vùng “cổ tích địa linh” có hơn 1000 năm lịch sử, với nhiều công trình văn hóa tâm linh, được xây dựng từ ngàn xưa. Các quần thể bao gồm đình - chùa - miếu… gắn liền với sự tích của Đức Thành hoàng làng, người có công truyền dạy nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa truyền thống của làng Vạn Phúc. Theo một tư liệu trong văn bản Thần tích được lưu giữ nói về bà Tổ làng nghề dệt Vạn Bảo xưa. Đó là thời kỳ nước ta bị phong kiến nhà Đường đô hộ, vào khoảng thế kỷ thứ IX tại Châu Tụ Long, Tuyên Quang có một gia đình dòng dõi vua Hùng. Ông Hùng Thụy là người tài đức song toàn và bà Phạm Khương là trang thục đức nổi danh. Ngày 10 tháng 8 năm Ất Sửu (845), ông bà sinh hạ được một người con gái đặt tên là Ả Lã (hiệu là Đê Nương). Nàng mặt hoa da phấn, thông minh tài trí hơn người, sắc đẹp lộng lẫy của nàng khiến cho nguyệt thẹn hoa nhường và đặc biệt nàng rất giỏi nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.
Khi ấy, tiết độ sứ An Nam là Cao Biền, sang nước ta đánh dẹp quân Nam Chiếu và xây dựng thành Đại La. Ngưỡng mộ sắc đẹp và danh tiếng của nàng, ông bèn tìm đến đem lòng yêu mến, kết mối lương duyên, lấy bà làm vợ kế và đưa bà Ả Lã về phủ trị ở La Thành, phong bà làm Nga Hoàng Đệ Nhị cung phi, giao phó cho bà trông nom phường canh cửi trong thành.
Vốn bản chất hiền thục, giỏi giang lại biết nhìn xa trông rộng, bà được ông vô cùng sủng ái. Mặc dù rất bận việc xây thành Đại La, nhưng ông vẫn dành thời gian đưa bà đi thăm thú những nơi có phong cảnh đẹp trong và ngoài thành.
Năm 868, một hôm Cao Biền đưa bà Ả Lã đi chu du thiên hạ bằng đường thủy, qua đạo Sơn Nam, phủ Ứng Thiên, huyện Thanh Oai. Đến trang Vạn Bảo, ông thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, cây cối tốt tươi lại có thế đất “Tiền sơn hậu thủy” (trước có đồi, rừng sau là dòng Nhuệ Giang uốn quanh), liền cho thuyền ghé vào. Đi sâu vào bên trong trang Vạn Bảo, ông lại thấy một ngôi chùa nhỏ, hai bên chùa có hai giếng nước trong xanh như ngọc. Ông liền bảo đây là đất “rồng chầu hổ phục” lại có tú khí dưỡng thanh long (khí thiêng nuôi rồng xanh) thì thấy làm thích thú.
Còn bà Ả Lã Đê Nương thì thấy nơi đây quang cảnh đẹp đẽ, thanh bình, đi thăm dân thấy ở đây cuộc sống của người dân no đủ, sung túc, phong tục thuần hậu bèn xin chồng cho ở lại nơi đây, dạy dân làng trồng dâu nuôi tằm, phát triển nghề tầm tang, canh cửi. Bà dùng nhân nghĩa để cố kết lòng người, lấy hòa mục yên vui để xây mỹ tục.
Bà dạy dân 8 chữ: “ Nam tắc sỹ, nông nữ tắc chính trực” nghĩa là nam thì đi học và làm ruộng, nữ thì tầm tang, canh cửi. Đạo lý của bà là “Dân yên thiên hạ thái bình” và “Dân phú – Quốc cường”, khiến dân vùng đất này ngày càng trở nên trù phú. Sau khi ông Cao Biền về nước, bà đã về ấp Vạn Bảo ở hẳn cho đến cuối đời.
Sau khi bà Ả Lã mất, dân Vạn Bảo nhớ ơn công đức to lớn của bà, tôn lập bà làm Thành hoàng làng, xây miếu thờ tại nơi bà hóa, trên doi đất cao, có nhiều cây cối sum suê quanh năm tươi tốt, gần sát với triền đê sông Nhuệ. Mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, các tướng đến cầu bà phù hộ đều được linh ứng.
Tiết độ sứ An Nam - Công tử Cao Tầm phong cho bà hiệu Thượng Đẳng Thần “Quốc Vương Thiên Tử - Nga Hoàng Đại Vương” Đương Cảnh Thành hoàng. Thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông phong mỹ tự cho Thành hoàng làng Vạn Bảo là “Linh ứng, phù trấn, cứu dân” và ban cho làng 100 quan tiền đồng để tu sửa nơi thờ bà Thành hoàng làng thành đình Vạn Bảo. Từ thời vua Lê Hiển Tông đến thời vua Khải Định bà còn được ban 11 đạo sắc phong, hiện còn được lưu giữ rất cẩn thận tại nơi thờ bà.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, người dân Vạn Phúc vẫn giữ được nét cổ kính và tôn nghiêm của một ngôi miếu thiêng, bên cạnh cây đa tía nghìn năm tuổi, là địa chỉ đỏ, nơi cất giấu tài liệu bí mật của các cán bộ liên lạc hoạt động trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Đình làng Vạn Bảo là công trình văn hóa tâm linh, tọa lạc trên một khu đất quý ở chính giữa làng, nơi có sao Thổ chiếu. Rộng hơn hai mẫu đất Bắc Bộ (3600m2/ mẫu) được xây dựng theo hình chữ “Quốc”, rất bề thế và trang nghiêm. Đình là nơi thờ Thành hoàng và là nơi hội tụ của nhân dân trong làng. Ngôi đình đẹp, được kết hợp hài hòa với các bồn trồng cây đại, cây cảnh, hai cây bàng cổ thụ tỏa bóng mát che gần kín khoảng sân rộng. Mái đình cong cong soi bóng mặt hồ, bờ hồ xây cao vuông vắn, tạo thành hai con đường làng chạy song song hai bên đình. Trước mặt hồ, đối diện với đình là bể núi non bộ có cây bàng cổ thụ che mát. Nước hồ trong xanh, tỏa hương sen thơm ngát, tạo thành một bức tranh thủy mặc. Nơi đây là địa điểm để thờ tự và tổ chức lễ hội. Sân đình được lát phẳng bằng gạch bát Bát Tràng là nơi để kiệu, chiêng, trống, tào quạt, binh khí mỗi khi lễ hội truyền thống được tổ chức.
Ngôi đình như một biểu tượng văn minh ngàn năm, là nơi hương khói tưởng nhớ người có công dạy đức, dạy nghề và là nơi hội tụ tinh hoa để duy trì “mỹ tục khả phong” của người dân Vạn Phúc. Với ý nghĩa lịch sử văn hóa đó, ngày 28/1/2005 đình làng Vạn Phúc đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa do UBND tỉnh Hà Tây cấp.
Để nhớ công ơn của Đức Thành hoàng, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng Giêng, dân làng Vạn Phúc lại tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống làng nghề dệt lụa. Các nam thanh nữ tú trong làng được tuyển chọn để rước kiệu bà trong trang phục truyền thống giàu bản sắc của quê hương. Người dân từ các tổ dân phố của phường Vạn Phúc nô nức trong những bộ trang phục đẹp nhất đều đổ về đình làng dâng lễ Thánh.
Lễ để dâng Thành hoàng thường là lễ chay, không giết thịt trâu bò, gia súc gia cầm. Đồ vật dâng lễ thường là
Quả son, ngà vạch, cắt may
Thước, kim, vải, kéo, lụa khay
lễ bà
Khách thập phương các nơi nghe tiếng cũng về lễ Thánh, dâng lễ cầu may, đồng thời tham quan cảnh đẹp và mua vài mét lụa hàng vân nổi tiếng của quê hương Vạn Phúc mang về biếu mẹ, biếu bà món quà quý đầu xuân.
Để tỏ lòng tôn kính với Đức Thành hoàng làng, người dân Vạn Phúc gọi nước “lã” là nước “giếng”, con cái Vạn Phúc không có ai được đặt tên là “Lã” và “Nga” để tránh tên húy của Đức Thành hoàng.
Cảm ân công đức của người con gái đất Tuyên đã mở mang truyền dạy cho con dân Vạn Bảo xưa (Vạn Phúc nay) một danh hương với nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng, được lưu truyền bao đời nay.
Tiếng tăm của lụa Vạn Phúc, Hà Đông đã nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn vượt ra ngoài biên giới. Hằng ngày có rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan và mua những sản phẩm tơ lụa được làm nên từ những đôi tay khéo léo cần cù của người dân nơi đây.
Vạn Phúc hôm nay đang từng ngày đổi mới, vẫn tiếng thoi đưa nhưng rộn ràng hơn, nhanh hơn vì đã được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Làng Vạn Phúc cổ xưa, nay đã được thay thế bằng những nhà cao tầng, biệt thự bề thế khang trang, nhiều nhà đã có ô tô hạng sang. Có nhiều khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, mỗi khu dân cư đều có nhà văn hóa rộng rãi làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho mọi lứa tuổi. Cùng với trung tâm thương mại, phố lụa làng nghề sầm uất, kẻ bán người mua tấp nập, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Tuyến phố đi bộ được lợp hàng nghìn chiếc ô nhiều màu sắc dọc theo đường làng. Là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.