Đình Đình Quán (Từ Liêm)
Làng Đình Quán xưa có tên nôm là Kẻ Diễn thuộc xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đình Quán là một làng nhỏ, năm 1920 cả làng chỉ có hơn 50 hộ và 73 suất đinh với 25 mẫu 8 sào ruộng, nên cả làng phải làm thêm nghề phụ như: gò hàn, mua bán đồng nát, lông gà, vịt.
Giữa làng có ngôi đình liên quan đến tên làng. Tương truyền xưa có một vị quan to xây cho làng ngôi đình vì dân ít và nghèo nên gọi là Đình Quan. Về sau gọi chệch ra là Đình Quán nên trở thành tên làng. Đầu hồi đình có con đường chạy dọc cắt làng ra làm hai giáp Đông Quán và Tây Quán.
Có thể đình làng Đình Quán do hoàng thân Trạc Quận Công xây dựng đời Lê Thuần Tông (1732 - 1735) thờ Thành hoàng có vị hiệu là Tuy dụ Diễn Khánh đại vương. Hiện nay trong đình có 171 đạo sắc phong của các vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 4 (1783), Quang Trung thứ 5 (1792), Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), Minh Mệnh thứ 2 (1821), Thiệu Trị 2 đạo (1845), Tự Đức 2 đạo (1850 - 1881), Đồng Khánh (1887), Duy Tân (1909), Khải Định (1924).
Đáng chú ý là trong đình hiện còn tấm bia đá lớn, cao 1,70m và rộng 0,80m; tấm bia có rồng chầu mặt nguyệt. Bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 17 Bính Tý (1756) do vua Lê Hiển Tông viết văn bia. Nhà vua soạn bài ký ghi trên bia hậu thần viết về vị hoàng thần triều trước là Tham đốc được phong tặng Đô hiệu điểm, lại được gia phong Thái bảo, Trạc Quận Công, được ban tên thuy là Cẩn Tín. Đó là người em con bà phi của vua cha Lê Thuần Tông. Bà phi Chiêu Nghi quê ở làng Đình Quán.
Sau đây là bản dịch một đoạn trích trong “Hậu thần bi ký” ở đình làng Đình Quán:
“Bài ký bia hậu thần” (trích):
“Nghĩ rằng: Thuận dưỡng bản tính con người, quạt gió hòn ở nơi tám cõi, dựng đặt sửa sang phép tắc cho dân để thờ cúng ngàn năm. Lòng người tha thiết với đạo hiểu là như vậy đó... Nay thôn Đình Quán, xã phú Diễn, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Đại là quê hương của ông Thân Ý. Lúc ông còn sống (đối với ông) cũng có nhiều ân nghĩa, vậy nên mọi người trong thôn tôn ông làm hậu thần. Xét lúc sinh thời ông có lòng tốt nên nay mới báo đáp ơn sâu. Sau khi ông mất lại tăng thêm ân điển để an ủi vong linh ông nơi chín suối.
Bản xã bèn dùng 12 mẫu ruộng tốt, 230 quan tiền để phụng thờ ông ở các tiết trong năm. Lễ vật ở các lần tế tự theo nghi thức đã quy định phải sửa biện cho đầy đủ. Mọi điều lệ được ghi lại rõ ràng để chiếu sáng cho muôn đời vĩnh cửu. Lại soạn văn bia khắc vào đá để lưu lại trăm đời bất hủ.
Than ôi, bút đẹp trang hoàng tên ông trường tồn với trăng sao! Bia cao sừng sững vĩnh viễn không mất.
Bia do Khâm sai tả phiên án lại Cai hợp Huyện thừa, Hoè Lộc tử Phạm Dung vâng mệnh viết chữ.
Hàng năm, lễ hội đình Đình Quán được mở vào ngày 11 tháng hai âm lịch. Đình Đình Quán đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01