Check in Hà Nội

Mộ danh nhân Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân)

Sơn Dương (t/h) 11:00 08/04/2023

Mộ danh nhân Đặng Trần Côn hiện nay ở ngõ 342 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 8km.

Đặng Trần Côn sinh đầu thế kỷ XVIII (khoảng 1705 - 1710) theo gia phả họ Trần ở Thượng Đình (Đống Đa), sau chuyển về xã Nhân Mục Cựu, nay thuộc phường Hạ Đình, Thanh Xuân. Ông là con cháu họ Trần, dòng dõi của Băng Hồ tướng quân Trần Nguyên Đán, có viễn tổ là Trần Cẩn, người Hà Tây (cũ). Do ông Cẩn có cháu là Trần Tuân làm loạn, bị Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản giết, con cháu phải di cư biệt tích và đổi sang họ Đặng. Họ Đặng là dòng họ có truyền thống khoa cử, nhiều người đỗ đạt cao. Một chi ở xã Thượng Yên Quyết (làng Cót) huyện Từ Liêm là con cháu Đặng Công Toản, một chi sang xã Phù Đổng (Tiên Du, Bắc Ninh) là con cháu Trạng nguyên Đặng Công Chất, làm quan tới Binh bộ Thượng thư. Đặng Trần Côn thuộc chi này.

Khi còn trẻ, Đặng Trần Côn đã nổi tiếng học giỏi, đặc biệt vào hàng “Thanh Trì tứ hổ” ngày ấy là “Côn - Đẩu - Điền - Hiện” (Đặng Trần Côn, Trương Nguyên Đẩu, Hồng Điền và Nguyễn Hiên). Ông đỗ giải nguyên (1716), khi vào thi hội bị trượt. Từ đó, ông không bị ràng buộc bởi con đường khoa cử, nhận chức huấn đạo ở trường phủ. Sau làm tri phủ Thanh Oai (Hà Tây cũ). Cho đến cuối đời, ông chỉ làm đến chức Ngự sử đài, tòng bát phẩm văn giai. Nghỉ hưu, ông dạy học ở nhà. Học trò ông nhiều người đỗ đạt cao. Ông mất và được chôn cất ở làng Nhân Mục (nay là phường Hạ Đình). Sự nghiệp văn chương của Đặng Trần Côn rất lớn. Nhiều tác phẩm đã bị thất lạc. Một số tác phẩm còn lại như “Vịnh cảnh Tiêu Tương”, phú “Trương Hàn tư thuần lộ”, phú “Trương Lương bộ y”... Nổi tiếng nhất là tác phẩm Chinh phụ ngâm, một tác phẩm văn học giàu tính nhân văn, có vị trí quan trọng trong văn học cổ điển Việt Nam.

Mộ danh nhân Đặng Trần Côn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1989../

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)