Đình, chùa Đào Thục (Huyện Đông Anh)
Cụm di tích đình - chùa Đào Thục thuộc thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Làng Đào Thục xưa là trang Đào Xá, tổng Hương La, huyện Yên Phong, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, sau thuộc tổng Thư Lâm, huyện Đông Ngàn. Nằm trong vùng đậm đặc những di tích với bao truyền thuyết lịch sử, đình và chùa Đào Thục ra đời từ xa xưa, là nơi thờ các anh hùng dân tộc buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Theo thần tích ghi lại thì đình Đào Thục thờ Đức thánh Tam Giang - Đương Giang và Phi Nương Hoàng hậu. Sự tích về các vị Thành hoàng thờ trong đình được ghi trong “thần” phả của làng, trong sách dã sử, chính sử của đất nước. Đức thánh Tam Giang ở đây được tôn thờ là tôn thần họ Trương là Trương Hống và Trương Hát, tướng của vua Triệu Việt Vương âm phù giúp Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, giúp Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt.
Đức thánh Đương Giang có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc giữ yên bờ cõi cho đất nước. Phi Nương Hoàng hậu là người âm phù giúp Đức thánh Đương Giang đánh giặc. Do có công lao lớn đối với triều đình các đời vua sau chuẩn y cho phép trang Đào Xá được thờ phụng các vị làm Thành hoàng và thờ cúng mãi về sau.
Ngôi đình ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII bởi nơi đây còn lưu giữ những nền gạch cổ với những hình rồng yên ngựa, hoa sen, hoa cúc cách điệu, rồng uốn lượn tạo thành hình lá đề, và tấm bia đá có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740) ghi việc tu sửa chữa di tích.
Đình, chùa Đào Thục được xây dựng tập trung trên cùng một khu đất rộng đầu làng, cụm di tích được xây dựng theo hướng nam và đều có mặt bố cục bằng chữ “đinh”.
Trang trí trên kiến trúc rất đa dạng, mặc dù đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần song cả đình và chùa đều có lối kiến trúc truyền thống, kết cấu gỗ chắc khoẻ và trang trí trên kiến trúc cầu kỳ với đề tài tứ linh, tứ quý.
Đáng chú ý là ba cỗ ngại gỗ sơn son thếp vàng được chạm rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Một cỗ kiệu bát cống được tạo tác nghệ thuật Hậu Lê còn nguyên vẹn với nét chạm rồng tinh tế, hoa lá cách điệu.
Ngoài ra còn nhiều đạo sắc phong thần sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng và muộn nhất có niên hiệu Khải Định. Một tấm bia đá có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740).
Cũng như những ngôi chùa khác ở đồng bằng Bắc Bộ, nghệ thuật được tập trung ở hệ thống tượng tròn. Ở chùa Đào Thục hệ thống tượng tương đối đầy đủ và đẹp mắt. Bên cạnh hệ thống tượng là các bia đá có niên đại sớm nhất là Đức Nguyên và muộn nhất có niên đại Duy Tân.
Đình, chùa Đào Thục trải qua nhiều năm tháng của lịch sử dân tộc cho đến nay vẫn giữ được những nét cổ kính vốn có của mình. Đình, chùa mang nhiều dấu ấn của kiến trúc cổ truyền, những mảng chạm khắc đã kế thừa và phát triển đầy sáng tạo của nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Đào Thục xưa vốn là trang Đào Xá, nơi đây là quê hương của bộ môn múa rối nước cổ truyền mà ông tổ nghề là cụ Đào Đăng Khiêm. Cho dù trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, song nghệ thuật múa rối nước được các thế hệ con cháu Đào Thục giữ gìn, bảo tồn và phát triển.
Lễ hội làng Đào Thục được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, với các hoạt động tế lễ, rước kiệu, múa rối nước, hát chèo... Nằm trên tuyến đường trung tâm huyện Đông Anh đi đền Sái, cụm di tích đình - chùa Đào Thục là một địa chỉ du lịch của huyện Đông Anh. Du khách đến đây không chỉ ngắm phong cảnh của di tích, mà còn được thưởng thức nghệ thuật múa rối nước cổ truyền Đào Thục.
Cụm di tích đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng năm 1995.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01