Đình Đặng Giang ( xã Hoà Phú, huyện Ứng Hoà)
Ngôi đình toạ lạc đầu làng, tiếp giáp Quốc lộ 22 thuộc thôn Đặng Giang, xã Hoà Phú.
Ngôi đình dựng vào thế kỷ XVII, làm theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Ngôi đình này đã được tu sửa lớn vào thời Nguyễn nên khi vào đình thấy rõ hai lớp nghệ thời Lê và thời Nguyễn, Đại bái có chiều dài 10m, rộng 6m. Kết cấu các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu "giá chiêng kẻ suối” trên hệ thống 4 hàng chân cột. Các cột cái có đường kính lớn từ 0,45m đến 0,50m. Nghệ thuật trang trí bong kênh chủ yếu là các đề tài rồng, phượng, ly... Đây là những tác phẩm thời Lê. Hậu cung đình làm tương đối đơn giản, là nơi bài trí các đồ tế tự, lưu giữ được 81 đạo sắc phong từ thời Lê cho đến thời Nguyễn.
Cuốn Thần phả được soạn vào thời Lê, niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572) và phụng sao lại vào triều Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851) cho biết, đình Đặng Giang thờ ba vị thần là Bao La đại vương, Quy Chân đại vương và Bát Nhã đại vương thời Hùng Vương. Ba vị thần vốn thông minh, văn võ toàn tài, thông hiểu kinh Phật, lại được Tản Viên Sơn Thánh truyền cho nhiều phép lạ. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, ba vị đã lập nhiều công lớn trong việc giúp Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc. Vua Hùng đã ban tước lộc cho ba ngài cùng thực ấp tại Đặng Xá. Từ đó, ba vị ngày đêm chăm lo, phủ dụ dân trong vùng, giáo hoá nhân nghĩa, dạy dân chăn tằm dệt lụa... Khi mất, nhân dân Đặng Giang lập đền thờ, tôn ba ngài làm phúc thần thờ phụng tại đình.
Đình Đặng Giang đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01