La Phù chú trọng mở rộng nghề phụ

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 21:15, 07/03/2021

Cùng với gìn giữ, phát triển nghề sản xuất bánh kẹo, nghề dệt may truyền thống, chính quyền và người dân xã La Phù (huyện Hoài Đức) đã chú trọng đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, kinh doanh, mở rộng các nghề phụ này, góp phần tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương...
La Phù chú trọng mở rộng nghề phụ
Xưởng dệt may của gia đình ông Nguyễn Viết Tùng (xã La Phù, huyện Hoài Đức) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trước kia, thôn Tiền Phong (xã La Phù) có hơn 80% số hộ dân có nghề làm mạch nha, sau chuyển sang làm bánh kẹo các loại. Là hộ chuyên làm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, ông Nguyễn Văn Đoàn ở thôn Tiền Phong cho biết, gia đình dựng xưởng sản xuất tại nhà, tạo việc làm cho 10-15 lao động với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, ở thôn Tiền Phong có hơn 20 hộ làm nghề dệt may. Trưởng thôn Tiền Phong Nguyễn Công Hưng cho biết, do địa bàn chật hẹp, thiếu mặt bằng sản xuất nên nhiều hộ phải thuê địa điểm tại các xã lân cận như: An Khánh, Lại Yên, An Thượng; thậm chí một số hộ mạnh dạn đầu tư xưởng lớn ở địa bàn huyện Quốc Oai, tỉnh Hòa Bình… đạt doanh thu từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Tương tự, thôn Đoàn Kết cũng có nhiều hộ làm nghề dệt may, điển hình như gia đình ông Nguyễn Viết Tùng đã thành lập công ty may, tạo việc làm cho gần 200 lao động trong vùng...

Bên cạnh đó, với lợi thế ven tuyến đường La Phù là “huyết mạch” giao thương, thuận lợi phát triển dịch vụ nên nhiều hộ dân ở thôn Chùa Tổng phát triển dịch vụ, kinh doanh. Hiện, cả thôn có gần 200 hộ kinh doanh bánh kẹo, nước ngọt, mỹ phẩm, đồ gia dụng...

Nghề truyền thống ở La Phù không chỉ giúp 100% lao động trong độ tuổi của địa phương có việc làm, thu nhập ổn định, mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động đến từ các địa phương lân cận của thành phố Hà Nội và các tỉnh khác, như: Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Tuyên Quang... Ngoài ra, một số hộ trên địa bàn xã còn năng nổ phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, tập trung ở các thôn Độc Lập và Thống Nhất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Thanh Bình, cùng với phát triển nghề truyền thống kết hợp làm dịch vụ kinh doanh đã giúp thu nhập của người dân bình quân toàn xã thuộc diện cao của huyện Hoài Đức (72 triệu đồng/người/năm). Sản phẩm bánh kẹo của La Phù đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia, như: Nam Phi, Mông Cổ, Hàn Quốc... Các hộ làm nghề đã thành lập Hội Doanh nghiệp làng nghề truyền thống La Phù với 150 hội viên, trong đó có hàng chục hội viên là những doanh nghiệp sản xuất lớn, khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước và thế giới, như: Chế biến thực phẩm Đức Hạnh, Green Việt, Tân Việt Nhật; Dệt may Phú Vĩnh Hưng, Dệt len Hà Nội... Hiện nay, thành phố đang hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu làng nghề cho 2 sản phẩm bánh kẹo và dệt may. Xã cũng hỗ trợ Hội Doanh nghiệp làng nghề truyền thống xã La Phù hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm của làng nghề để gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

"Năm 2021, La Phù phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân lên 82,8 triệu đồng/người/năm; đồng thời, khuyến khích, ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong nhân cấy nghề mới, mở rộng sản xuất, phát huy nghề truyền thống; động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, kỹ thuật, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một trong những mục tiêu của La Phù là chú trọng phát triển nghề phụ nhằm thu hút, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương, thậm chí có thể làm giàu ngay tại quê hương”, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Thanh Bình thông tin thêm.

HNM