Check in Hà Nội

Đình Đại (Hai Bà Trưng)

Sơn Dương (t/h) 07/04/2023 10:10

Đình Đại (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) toạ lạc trong ngõ 198, cách mặt phố Bạch Mai khoảng 50 mét, cạnh trụ sở Uỷ ban nhân dân phường Cầu Dền hiện nay.

Làng Bạch Mai xưa kia có 6 giáp là: Tô, Hoàng, Nội, Mật, Nhất và Nhị. Giáp Tô và Giáp Hoàng có đình Tô Hoàng, 4 giáp còn lại có đình Đại và đình Đông. Trong 3 đình thì đình Đại có quy mô kiến trúc lớn hơn cả nên có tên là đình Đại.

Khi khởi dựng, đình Đại có cấu trúc: Nghi môn nhìn ra đường Bạch Mai. Sau Nghi môn là một khu đất rộng với các cây cổ thụ um tùm (đa, gạo, muỗng, mít...), có giếng nước, sân đình, công trình kiến trúc thờ chính và một số công trình phụ cận dùng làm nơi tiếp khách, soạn lễ.

Đình Đại thờ Cao Sơn đại vương, một vị thần được người Việt cổ thờ ở rất nhiều nơi, người đã có công giúp Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh, là vị thần được thờ ở đền Kim Liên (phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), một trong tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội.

Đình Đại có lịch sử xây dựng rất sớm. Theo tấm bia đá cổ có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) thì đình được dựng từ thế kỷ XVII. Đình đã qua những lần trùng tu lớn vào năm 1774, 1829 và 1998.

Qua những biến động của lịch sử và thời gian, quy mô kiến trúc ban đầu của đình Đại đã có nhiều thay đổi. Hiện nay đình chỉ còn một công trình kiến trúc thờ chính gồm 5 gian Đại đình, 3 Hậu cung, cấu trúc kiểu “chuôi vồ”, tường hồi bít đốc. Sân đình chỉ còn lại một diện tích nhỏ hẹp.

Cấu trúc trong đình gồm bộ khung được làm bằng gỗ lim, phần mái theo kiểu “thượng tứ hạ ngữ”, mặt bằng theo lối “bốn hàng chân”. Vì kèo có kết cấu phổ biến là từ nóc đến cột cái, từ cột cái đến cột quân, vươn ra diềm mái là con kẻ chạy dài. Hệ thống cột lim, cột cái có đường kính 0,45m vững chắc, giữ cho ngôi đình tồn tại vững chắc hàng trăm năm qua.

Trang trí trong đình được tập trung ở các mảng chạm trên cốn nách, đầu dư, kẻ, bẩy và một số hoạ tiết trên đầu xà ngang, đầu các con rường. Đáng chú ý là những mảng chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Lê trên các cốn nách. Đây là những mảng chạm khắc nổi, bong kênh công phu, cầu kỳ, đường nét tinh xảo, với các chủ đề, môtíp trang trí long, quy, phượng được phân tầng, gắn kết, hoà quyện cùng cỏ cây hoa lá, tạo nên một bức tranh phong cảnh sinh động, có giá trị nghệ thuật cao.

Linh vật rồng ở đây thân nhỏ, uốn gấp khúc, mang dáng dấp con rồng thời Lê. Ở đầu xà ngang, đầu bẩy lại là những con rồng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ thống đầu dư nằm dưới quá giang được sử dụng phương pháp chạm lộng là chủ yếu. Chính nghệ thuật điêu khắc trong kiến trúc và một số tiêu bản mang dấu ấn thời cuối Lê, đầu Nguyễn đã làm nên giá trị nghệ thuật của đình Đại.

Đình Đại còn bảo lưu được một khối lượng hiện vật đa dạng, phong phú như các sắc phong thần, bia đá có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, nhang án gỗ đặt trong cung cấm, kiệu bát cống, bát hương bằng đá, sành, đồng, một loạt cửa võng, cuốn thư, hoành phi, câu đối được chạm lộng với các chủ đề quen thuộc của thời Nguyễn.

Đình Đại là một công trình kiến trúc có giá trị, một di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu ở Thủ đô. Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)