Check in Hà Nội

Đình Đại Phùng

Sơn Dương (t/h) 09:28 07/04/2023

Đình Đại Phùng là di tích được gọi theo tên làng, thuộc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng. Từ trung tâm Hà Nội xuôi theo Quốc lộ 32 tới thị trấn Phùng rẽ phải khoảng 200m là tới di tích.

Đình quay hướng tây bắc, có kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Hai hồ lớn và một bán nguyệt tạo thế phong thuỷ cho ngôi đình. Tiếp đến là một sân nhỏ lát gạch dẫn vào Tiền tế có 3 gian hai chái. Các bộ vì kèo được làm theo kiểu “chồng rường” trên 4 hàng chân cột. Nhìn chung, Tiền tế ít chú ý đến nghệ thuật điêu khắc, chủ yếu là các mảng chạm mây cụm, lá cách điệu ở các đầu rường, đầu kẻ... Trước đây, toà Tiền tế được dựng trên các chân tảng bằng đá trắng, về sau chồng thêm một lớp chân tảng đá xanh hình quả dành để ngôi đình cao hơn. Đây là sản phẩm của kiến trúc đầu thế kỷ XX.

Qua Tiền tế là tới Đại bái với lối kiến trúc 3 gian hai chái, song rộng rãi và cao hơn. Dấu vết kiến trúc cổ cho biết, khởi thuỷ đình được dựng theo kiểu chữ “nhất”, nơi thờ thánh đặt tại gác lửng, sau cột cái phía trong tới cột quân. Tới cuối thế kỷ XIX, làng xây thêm phần Hậu cung tạo cho kiến trúc thành hình chữ “đinh”. Bộ vì nóc làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” trên 4 hàng chân cột (nay không còn sàn). Hiện bao quanh đình, thay cho ván đổ là hệ thống “thượng song hạ tường”. Hầu như mọi giá trị của đình Đại Phùng đều được dồn vào toà kiến trúc này với hệ thống cột gỗ bằng xoan và những mảng chạm gỗ thế kỷ XVII. Đó là những con rồng khá điển hình được chạm ở đầu bẩy, kẻ, cốn, đầu dư... Xen kẽ với rồng là rất nhiều hoạt cảnh vừa phản ánh ước vọng được mùa vừa gắn bó với hội làng. Đó là cảnh mẹ bế con, các đội nhạc công trong động tác múa hay sử dụng nhạc cụ, hình tượng mả táng hàm rồng, vinh quy bái tổ với đoàn tuỳ tùng lọng tán theo hầu... Ở những mảng chạm khác lại có vẻ sinh động hơn như cảnh múa quạt gác cửa đình, đá cầu và cảnh uống rượu ngả nghiêng. Nhưng gợi sự chú ý hơn là cảnh trai gái tư tình hồn nhiên như thường thấy ở thôn dã. Mạnh bạo hơn là cảnh phụ nữ tắm khoả thân, bị nhìn trộm nên tìm cách che giấu bằng lá sen hay quật chân lại. Tại các mảng chạm này, không chỉ có cảnh người náo nức mà cảnh vật cũng thật tươi đẹp như mèo ngậm cá, nhiều thú nhỏ ngồi trên râu rồng hay cảnh rồng đùa đám thạch sùng.

Nhìn chung, nghệ thuật điêu khắc ở đình Đại Phùng khá điển hình như một số ngôi đình cùng thời khác (đình Chu Quyến ở huyện Ba Vì; đình Liên Hiệp ở huyện Phúc Thọ, đình Hoàng Xá ở huyện Ứng Hoà). Người xưa chạm khắc không theo tỷ lệ nhất định, nhiều khi độ cao của hình tượng con người chỉ bằng ba đầu (chuẩn mẫu là bẩy đầu) lấy tính thuận mắt làm chuẩn mực, đồng thời lại tạo được một vẻ đẹp dân gian đột ngột để người xem thấy được cái hữu ý trong phi ý. Mặt khác, các mặt chạm được diễn ra một cách đồng hiện, không có ranh giới cụ thể giữa các đề tài, chúng như sản phẩm của dòng tư duy dân dã.

Người dân Đại Phùng tự hào vì ngôi đình của mình, không chỉ ở nghệ thuật mà còn ở sự linh thiêng của vị Thành hoàng làng. Sự tích còn ghi: Ngài là vị tướng tài, có tên là Vũ Hùng, con một gia đình giàu có, làm nhiều điều thiện dưới triều Trần Nghệ Tông (1370 - 1372). Lớn lên, ngài có tài văn võ hơn người, được triều đình trọng dụng, đem binh đóng ở làng Phùng. Ngài yêu dân và bảo vệ làng xóm, được nhân dân yêu kính. Từ đây Ngài mở cuộc hành quân đánh giặc và thắng trận, triều đình phong tước lớn. Ngày 18 tháng 11, Ngài lâm bệnh qua đời, nhân dân nhớ ơn nên lấy ngày Ngài hoá làm ngày chính hội của làng.

Đình Đại Phùng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Đây là di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)