Mỹ thuật

Triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống”: Đối thoại giữa truyền thống và đương đại

Thụy Phương 06:30 07/04/2023

Tinh hoa của tranh dân gian Hàng Trống và sáng tạo mới của các nghệ sĩ đương đại từ dòng tranh này đã được giới thiệu với công chúng trong triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống”. Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 6/4 đến ngày 16/4/2023.

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa.

anh-trien-lam-tranh-hang-trong.jpg
Một góc không gian triển lãm.

Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tranh Hàng Trống phát triển cực thịnh, từng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian ngày Tết cổ truyền của người Hà thành.

Với sự đa dạng trong thể loại, tinh tế ở kỹ thuật tạo hình, tranh dân gian Hàng Trống đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa truyền thống, tạo nên cốt cách riêng trong thị hiếu của người Kinh kỳ và là bộ phận không thể tách rời của tranh dân gian Việt Nam.

Trước sự mai một và nguy cơ thất truyền của các dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại hiện nay, nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống của các đơn vị, cá nhân tâm huyết đã được triển khai.

trien-lam-2.jpg
Một số tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm.

“UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các nhà sưu tập tổ chức triển lãm "Dòng tranh dân gian Hàng Trống" với mong muốn góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian Hàng Trống đến gần hơn với công chúng" - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn trong bài phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm đã nhấn mạnh.

Trong không gian của triển lãm, công chúng sẽ được thưởng lãm 23 bức tranh Hàng Trống với các chủ đề tranh thờ và tranh trang trí của nghệ nhân Lê Đình Nghiên do nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp, cùng 23 tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống trên nhiều chất liệu khác nhau.

Các tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn sắp đặt theo từng cặp, một bên là tác phẩm gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và một bên tác phẩm mới đương đại lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc. Cách trưng bày này tạo nên một cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại, giữa cũ và mới đầy thú vị.

anh-trien-lam-2.jpg
Triển lãm như một cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại .

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay, lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh này, năm 2020, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” được tổ chức tại đình Nam Hương đã nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền hội họa Việt Nam, đó là chất liệu sơn mài và lụa.

Nhóm họa sĩ trẻ (khi đó là sinh viên khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã tiếp xúc trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm, tình yêu nghề, yêu văn hóa bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống – nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Vẫn là những thực hành trên chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, giấy dó... nhưng các nghệ sĩ trẻ đã “làm mới” dòng tranh Hàng Trống bằng cách sử dụng tư duy sáng tạo. Điều này thể hiện rõ trong các tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm.

Từ những họa tiết, hình ảnh, màu sắc trong tranh Hàng Trống, Trương Hoàng Hải đã vẽ sơn mài trên đĩa nhựa tái chế; Kim Hiền và Cẩm Nhung kết hợp sơn mài và lụa để tạo nên bức bình phong 2 mặt; Nguyễn Minh Trang và Nguyễn Hoài Giang sáng tạo book art sơn mài rất độc đáo…

Qua mỗi tác phẩm, các nghệ sĩ trẻ cho thấy những nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống. “Trên con đường sáng tác độc lập phía trước, việc quan tâm đến các giá trị di sản văn hoá truyền thống, văn hóa bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật, viết tiếp nên những giá trị sáng tạo mới, cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ./.

Thụy Phương