Check in Hà Nội

Đình Dị Nậu

Sơn Dương (t/h) 10:17 06/04/2023

Đình Dị Nậu (xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ở xóm Đoài, đã được Bộ văn hoá thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 27/11/1990.

Đình Dị Nậu ở trên khu đất cao, gồm có: Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Trước nhà Tiền tế là sân lát gạch rộng có hai dãy Tả-Hữu mạc, mỗi dãy 6 gian đầu hồi bít đốc.

Tiền tế được xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái gồm 3 gian 2 chái. Bờ nóc, bờ dải trang trí diềm hoa chanh. Các góc mái có đạo uốn cong nét đạo hình rồng bằng đất nung. Trên hai đầu bờ nóc đều đắp các con kìm bằng đất nung theo phong cách truyền thống. Kết cấu bộ vì Tiền tế làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Các bức cốn đều chạm nổi đề tài tứ linh và hoa văn mây sóng nước mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Đại bái là một toà nhà lớn nằm song song với toà Tiền tế gồm 5 gian 2 chái, bốn mái đao cong. Bốn bộ vì chính và hai bộ vì phụ. Các mảng chạm khắc gỗ trang trí trong đình chủ yếu là đề tài quý mang đậm phong cách thế kỷ XVIII - XIX.

Hậu cung nối liền gian giữa của Đại bái tạo thành kiểu chữ “đinh” gồm 3 gian nhà dọc, 2 tầng mái.

Đình Dị Nậu hiện còn lưu giữ một cuốn thần phả chữ Hán kể về sự tích Lý Phục Man, một vị tướng tài của Lý Nam Đế ở thế kỷ VI được tôn làm Thành hoàng làng. Đình còn 5 tấm bia hậu, trong đó có 1 bia tạo tác năm Đức Nguyên thứ 2 (1675) ghi việc Vương phi thị nội cung tần Lê Thị Ngọc Tư công đức tiền ruộng cho làng và nhiều đồ thờ tự khác.

Đình Dị Nậu còn thờ phối hưởng ba vị thần họ Đỗ (Đỗ Côn Lang, Đỗ Đại Hùng, Đỗ Đại Bảo) - người Việt gốc Hán. Ba vị này sinh trưởng trên đất Giao Chỉ có công khai phá đất đai, dựng làng, lập xóm, giúp dân địa phương vào thời Tấn Vũ Đế (cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ IV).

Hội làng Dị Nậu tổ chức vào ngày 15 tháng bảy âm lịch để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lý Phục Man./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)