Tác giả - tác phẩm

Đôi điều về tiểu thuyết “Sóng độc” của Trần Gia Thái

Lê Hoài Nam 07:06 06/04/2023

Trần Gia Thái đến với văn học bắt đầu từ những truyện ngắn và truyện viết cho thiếu nhi. Nhưng tên anh gắn liền với những tác phẩm báo chí và một số tác phẩm văn chương như “Thành phố đáy hồ” (tập truyện ngắn, 1982), “Hắn là tôi” (tập truyện ngắn, 1997), “Lời nguyện cầu trước lửa” (tập thơ, 2011), “Mưa không mùa” (tập thơ, 2012), “Ký ức khát” (tập thơ, 2013), “Trăng ướt” (tập thơ, 2016), “Biển giờ không còn mặn” (tập thơ, 2018)… Trần Gia Thái chưa bao giờ nói mình sẽ viết tiểu thuyết. Cho đến năm 2022, cuốn tiểu thuyết “Sóng độc” dày 438 trang của anh ra mắt đã gây bất ngờ cho nhiều bạn bè.

song-doc.jpg

“Sóng độc” viết về một đài Phát thanh truyền hình có tên là Bắc Hà thuộc tỉnh Nam Bình, ở khu vực đồng bằng Bắc bộ vào thời kỳ cơ chế quan liêu bao cấp đã chấm dứt, cơ chế thị trường đang vận hành ở giai đoạn đầu tiên. Con người cũng dần từ bỏ thói quen sống theo khuôn sáo tập thể, khép kín thông tin, đón nhận cơ chế mới, đón nhận nhiều luồng văn hóa Đông - Tây, con người cá nhân có chỗ đứng, có quyền thể hiện mình trước cộng đồng. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về cá nhân mình, tìm cho mình một cách đi, một khả năng để cống hiến. Đấy là mặt tích cực. Còn mặt tiêu cực cũng có cơ hội, có “đất” để “dụng võ”: thói hám danh, hám lợi sai khiến người ta nhiều toan tính, kèn cựa, bon chen, tìm mọi cách để bôi nhọ, giăng bẫy, triệt hạ đường thăng tiến của đối phương để mình nhoi lên. Họ tạo ra những làn “sóng độc” ngõ hầu làm phân rã, rối loạn cộng đồng, làm xấu đi gương mặt của chế Bạn đọc đồng tình với cách sống, cách làm việc của Hồng Minh (Bí thư Tỉnh ủy), Hoàng Vĩnh Quyền (Trưởng ban Tổ chức), Đoàn Hữu (Phó trưởng ban Tuyên huấn), Văn Đức (Giám đốc Đài truyền hình đương nhiệm), Hùng Dũng (giám đốc kế nhiệm Văn Đức), Phạm Quang Thiện (Trưởng ban Thư ký biên tập)… thì cũng không thể không bất bình trước một số nhân vật khác: Phó giám đốc Đỗ Thiết, thèm khát quyền lực đến độ anh ta không từ một thủ đoạn đê hèn bẩn thỉu nào để tạo bè, kéo cánh, triệt hạ những người tốt, những ai ngáng đường leo lên cái chức giám đốc mà y đang nhắm đến. Bạc phò là nhân vật không bia, rượu, vào tiệc rượu y chỉ uống nước lọc. “Nấp dưới cái giọng nằng nặng, khê khê, quê quê, cũ cũ, lại hay ví von ca dao thành ngữ, làm người ta liên tưởng tới một gã nông dân cục mịch nên tin ngay những câu chuyện của Bạc phò là thật” nhưng bản chất y lại cực kỳ giả dối, cơ hội. Hoàn toác sở hữu một bản lý lịch khá sáng sủa: bố là sĩ quan quân đội, có công trong kháng chiến, nhưng y lại gian manh. Hoàn toác khác Bạc phò ở chỗ điều gì đang diễn ra trong đầu trước sau y cũng phòi ra miệng, nhưng vì bản tính gian manh nên những gì y nói ra đều khiến người ta cảm thấy ngờ ngợ, sai sai, điêu điêu, không thể tin được. Đạt láu thì có cái mã cao to đẹp trai, viết báo tốt mà kiếm tiền cũng giỏi. Để kiếm được nhiều tiền, Đạt láu quan hệ với đủ mọi hạng người, kể cả bọn đầu gấu có số má. Tính tình y xởi lởi nhưng “cứ tưởng vồ vập thân thiết, thực ra Đạt láu chẳng có thân thiết sâu sắc, gan ruột với ai cả. Đạt chỉ yêu mình. Có lợi là chơi. Hò hét thì rõ to, nhưng đợi Đạt láu nhảy vào cuộc, cùng hội cùng thuyền thì còn lâu”. Mùi già là nữ, có cấu tạo gương mặt khá lạ “cũng là trái xoan nhưng trán ngắn, cằm ngắn, gò má rộng đường ngang, thành ra gương mặt Mùi già là trái xoan nằm ngang chứ không phải dựng dọc”. Không biết sự kỳ dị của hình thể có ảnh hưởng gì đến tâm tính không mà Mùi già rất giỏi buôn chuyện. Ai trong cơ quan muốn truyền đạt một thông tin gì cho mọi người chỉ cần nói với Mùi già, chỉ ít giờ sau là cả cơ quan biết. Nhưng đáng ngại ở chỗ khi miệng Mùi già nói ra thì sự thật cũng đã bị thổi phồng, bóp méo ít nhiều và không thể nói là không gây hại gì với cộng đồng.

Còn một vài nhân vật khác nữa tôi không thể kể hết. Tất cả họ kết thành một phe nhóm dưới sự điều hành giật dây của Đỗ Thiết. Văn Đức sắp nghỉ hưu. Cái ghế giám đốc đang treo lơ lửng trước mũi Đỗ Thiết. Y và phe nhóm của y phải bằng mọi thủ đoạn đánh đổ mọi đối thủ, đè bẹp mọi vật cản, để y ngồi vào được cái ghế ấy. Nhưng khi mưu sự không thành, kẻ thì trở cờ để tìm “minh chủ” khác để tiến thân, kẻ đã trót đi quá đà không còn ai tin thì vẫn bám lấy cái phao đỗ Đỗ Thiết để kiếm ăn và tránh bị bỏ rơi.

Tất cả những nhân vật ấy đều là nhà báo. Họ thuộc tầng lớp trí thức. Là giới tinh hoa của xã hội. Ở mô hình xã hội nào thì họ cũng thuộc giai tầng phát ngôn, định hướng, dẫn dắt, soi đường. Nhưng ở trong tiểu thuyết họ đã bị thoái hóa, lưu manh hóa, không phải chỉ còn là thiểu số; từ trong con người họ đã phát sinh những con “sóng độc” góp vào thành những làn “sóng độc” - đây chính là vấn đề mang giá trị rung chuông cảnh báo, là điều đáng nói nhất ở tiểu thuyết.

Đan cài trong câu chuyện nhà văn Trần Gia Thái còn cho bạn đọc thấy những tệ nạn xuất hiện từ thời quan liêu bao cấp nhưng đến hôm nay vẫn đang còn ngự trị, vẫn mang tính thời sự. Đó là tác phong trì trệ, luộm thuộm, tham nhũng vặt: Thanh lý một chiếc xe ô tô cũ của cơ quan mà vẫn phải qua bao nhiêu cuộc họp, qua bao nhiêu cửa với những thủ thục, giấy tờ chồng chéo, phong bao tốn kém. Văn bản hành chính ban ra thì dài dòng, từ ngữ lủng củng, tối nghĩa khiến những người thực hiện làm sai, hoặc cố tình lợi dụng làm sai. Tệ con ông cháu cha xuất hiện đông đúc trong các cơ quan, công sở. Một nhân vật trong tiểu thuyết đã nói trắng ra: “Con ông cháu cha, hậu duệ, quan hệ chằng chịt. Ký kỷ luật một cán bộ phải cân nhắc đủ chiều đủ hướng, nhấc bút hàng chục lần xem nó động đến bao nhiêu cửa…”. Rồi cái bệnh sĩ, bệnh thành tích trầm trọng, trầm trọng đến mức không dám xử người có tội. Đỗ Thiết vi phạm pháp luật rành rành nhưng tỉnh ủy vẫn chỉ đạo gác vụ này lại vì sắp đại hội đến nơi, sợ mang tiếng xấu cho tỉnh, ném chuột sợ vỡ bình! Và còn bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt nữa gây cản trở rất lớn đến công cuộc phát triển kinh tế cũng như chấn hưng văn hóa ở tỉnh Nam Bình.

Nhiều năm gắn bó với nghề báo, Trần Gia Thái rất am hiểu, hiểu sâu cái lĩnh vực mà anh chọn làm bối cảnh tiểu thuyết. Những tình tiết, chi tiết anh đưa vào tác phẩm rất chân thực, sinh động như bê từng mảng hiện thực đời sống đắp vào từng trang văn. Không ít những tình tiết, chi tiết độc đáo, hấp dẫn mà chỉ người trong cuộc như tác giả mới viết được. Bạn đọc không chỉ nhận biết những gì đang diễn ra ở một tỉnh mà có thể suy ra nhiều tỉnh để đồng cảm với tư tưởng của tiểu thuyết, để có cái nhìn và thái độ đúng đắn trước xã hội, nhất là những bạn đọc đang làm công chức, viên chức ở tỉnh; thậm chí ở trung ương, cũng không thể nói không rút ra những bài học gì.

Cũng có một vài điều tôi muốn bàn thêm với tác giả. Vốn sống thực tế dồi dào là một ưu thế lớn của một cây bút văn xuôi. Nhưng cái vốn sống ấy chỉ nên sử dụng vừa đủ để chuyển tải tư tưởng, ý tưởng và kết cấu tác phẩm. Ở đây vốn sống của nhà văn nhiều chỗ như ùa vào tác phẩm khiến nhiều câu văn, trang văn kéo dài mà thiếu đi sự dồn nén, hàm xúc, hàm chứa, “ý tại ngôn ngoại”. Thêm nữa, một số trang văn “độn”, không phục vụ cho tư tưởng tác phẩm là mấy, nó khiến mạch văn loãng ra, dàn trải, làm cho tiểu thuyết kéo dài một cách không cần thiết. Nhân vật trong tiểu thuyết chia làm hai tuyến tốt - xấu khá rành rẽ, điều này không có gì đáng phê phán, nhưng nếu trong tiểu thuyết có thêm những nhân vật phức tạp, đa nhân cách thì sẽ có sức thuyết phục bạn đọc hôm nay hơn.

Dẫu sao “Sóng độc” là cuốn tiểu thuyết đầu tay, còn hạn chế mặt này mặt kia là điều bình thường, phần đáng ca ngợi vẫn vượt trội, rất xứng đáng để bạn đọc chúc mừng. Đọc “Sóng độc” tôi nhận ra Trần Gia Thái còn rất tiềm tàng chất liệu sống, dư thừa khả năng để anh cho ra những tiểu thuyết sau nữa. Tôi mong khi viết những tiểu thuyết sau anh sẽ khắc phục được những hạn chế tôi vừa nêu. Tôi rất tin anh sẽ thành công hơn nữa.

Tiếp cận hiện thực đời sống từ một góc nhìn riêng Tiểu thuyết

“Sóng độc” có sự dồn nén cao độ về không gian, về thời gian nghệ thuật với một thế giới nhân vật không nhiều, được lựa chọn kĩ. “Sóng độc” tập trung tái hiện không gian, bối cảnh của một “ngành nghề thật” trong những năm bao cấp vắt sang thời kì đổi mới ở một đài truyền hình địa phương… Ở đây, Trần Gia Thái đã tiếp cận hiện thực đời sống từ một góc nhìn riêng, đã tạo nên cái nhìn riêng về hiện thực và con người… Trong suốt 17 chương, với hơn bốn trăm trang sách, hai chữ sóng độc nhấp nháy hiện lên, cứ trở đi trở lại, như một tín hiệu thẩm mỹ, dệt nên một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng.

Nhà phê bình Trần Đăng Nguyền

Cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về hoạt động báo chí

Một số nhà phê bình xem “Sóng độc” như cuốn tiểu thuyết vào loại hiếm hoi ở nước ta viết về hoạt động báo chí bằng phát thanh, truyền hình. Từ “sóng” ở tên tác phẩm cho thấy rõ việc đó. [...] Những đấu đá vì quyền lực ở tiểu thuyết “Sóng độc” đã khiến câu chuyện về giới nhà báo trở thành câu chuyện cạnh tranh quyền lực ở giới cán bộ công chức nói chung. Nó cho thấy chính môi trường những người có hiểu biết hơn nơi khác, lại là môi trường mà cái ác, cái xấu trong quan hệ con người bộc lộ đến mức sâu sắc, đậm đặc.

Nhà phê bình Lại Nguyên Ân

Điều hấp dẫn của cuốn sách trước hết là ở tầm tư tưởng

Tiểu thuyết “Sóng độc” là tiểu thuyết cuốn hút độc giả đọc liền một mạch. Điều hấp dẫn của cuốn sách, theo tôi, trước hết là ở tầm tư tưởng. Đây là tiểu thuyết lấy cảm hứng thế sự để khái quát về thân phận con người trong một thời điểm lịch sử, thời đổi mới báo chí gắn liền với công cuộc đổi mới đất nước. Nguồn cảm hứng ấy như men say trong rượu, là linh hồn của tác phẩm, góp phần tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.

Nhà thơ Hải Đường

“Sóng độc” nâng vị thế văn chương Trần Gia Thái lên tầm cao mới

Có thể nói rằng, đến tiểu thuyết “Sóng độc”, thì xem ra những tiên đoán nghệ thuật của các nhà thơ Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Ninh Hồ rằng “căn cước nghệ thuật” của Trần Gia Thái là thơ… có vẻ lung lay? Tôi đồ rằng: Tiểu thuyết mới là đường chính, đường lớn của Trần Gia Thái, văn phẩm “Sóng độc” nâng vị thế văn chương Trần Gia Thái lên tầm cao mới, bỏ xa các truyện ngắn, truyện vừa thuở đầu đời văn ở lại tít phía sau? Hoặc cũng có thể tiểu thuyết “song kiếm hợp bích” cùng với thơ làm nên một tên tuổi Trần Gia Thái vững chắc?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Lê Hoài Nam