Đền Di Trạch
Đền Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) còn có tên gọi là làng Ải, ngày xưa thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, sau thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng. Do vậy ngôi đền này còn có tên gọi là đền Di Ải, hay đền Ải.
Ngôi đền Di Trạch trên ở một khu đất cao rộng, quay hướng tây nam, phía trước có hồ bán nguyệt, sau là Nghi môn với 2 trụ biểu cao, trên đắp 4 phượng chầu. Đền Di Trạch có kết cấu theo kiểu chữ “công” gồm Tiền tế và Hậu song với toà Ống muống nối hai công trình này với nhau.
Cung chạy song Tiền đường đền làm theo kiểu tường hồi bít đốc trụ biểu, dựng trên nền cao 0,75m so với mặt sân, có bậc tam cấp đi lên Tiền đường. Bờ nóc đắp hưởng long chầu nguyệt. Vào bên trong, 6 bộ vì được làm theo các kiểu thức khác nhau, hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, các bộ vì gian bên có khác hơn đôi chút theo kiểu “giá chiêng hạ kẻ chuyền" trên 4 hàng chân cột kê chân tảng. Các gian tương đối rộng 2,40m.
Toà Hậu cung có 4 cánh cửa chạm lộng các hình hoa lá, rồng, rùa, mây... Các đầu bẩy có gắn ván chạm rồng và đạo mác, theo phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XVIII, thời Nguyễn được dùng lại trong khi tu bổ.
Trong Hậu cung đặt 3 ngai thờ, ngai thờ chính giữa ghi rõ: “Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế thánh để”, hai ngai bên là đức thánh bà. Tương truyền, Lý Nam Đế (544 - 548) thuở nhỏ gắn bó với vùng đất này, khi mất được nhiều nơi thờ phụng, trong đó có làng Di Trạch. Ngài là vị anh hùng ở thế kỷ VI, người đã có công lãnh đạo nhân dân đánh thẳng quân Lương xâm lược, lập nên nước Vạn Xuân.
Tại đền còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong từ thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đến thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Ngoài ra, trong đền còn bảo tồn được hương ước, sập thờ, hoành phi, câu đối, kiệu, chuông đồng...
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01