Check in Hà Nội

Đình Dịch Vọng Sở

Sơn Dương (t/h) 10:17 05/04/2023

Đình Dịch Vọng Sở còn có tên gọi là đình Sở Vòng, thuộc thôn Dịch Vọng Sở, xã Dịch Vọng trước đây thuộc huyện Từ Liêm, nay là phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Các tư liệu thành văn hiện còn lưu lại trong như thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối cho biết: Thế kỷ VI vùng đất Dịch Vọng từng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân do Lý Phật Tử chỉ huy chống lại giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Dịch Vọng là vùng đất địa linh nhân kiệt, người dân ở đây có truyền thống yêu nước, cần cù lao động sáng tạo. Từ xa xưa miền quê Dịch Vọng đã nổi tiếng kinh thành Thăng Long với nghề làm cốm, nhiều gia đình đã trở nên giàu có từ nghề làm cốm. Vì thế mà khắp mọi miền quê người dân đều nhớ câu ca:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bản, húng Láng còn gì ngon hơn

Tài, đức và công tích của vị Thành hoàng làng Dịch Vọng Sở (Lý Phật Tử), đã thông đến trời, đất nên sau khi mất đi ngài rất hiển linh, trở nên bất tử và sống mãi trong lòng người dân, được đời đời ghi nhớ công ơn. Đình Dịch Vọng Sở có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm, với hai chức năng chính là: Nơi phụng thờ các vị phúc thần có công với dân, với nước và nơi tổ chức lễ hội. Đình Dịch Vọng Sở hiện nay toạ lạc trên một khu đất cao, rộng khoáng trong khu cư trú của làng. Các nếp nhà cổ ẩn mình dưới những cây cổ thụ bốn mùa toả bóng mát tạo cho di tích một cảnh sắc thầm nghiêm. Các công trình kiến trúc gồm: Cổng nghi môn, sân, toà kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ “công”. Hội làng Dịch Vọng Sở là một trong những lễ hội có nhiều nét đặc trưng của lễ hội mang sắc thái của hội cư dân lúa nước, được tổ chức từ mùng 10 đến 12 tháng hai âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau, đa dạng và phong phú. Nghi lễ đáng lưu ý nhất là lễ rước kiệu thánh, giống như các lễ hội vùng ven sông Hồng, rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Trong lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, hát thờ cửa đình... và các hoạt động văn hoá, thể thao khác.

Giá trị của đình Dịch Vọng Sở còn được thể hiện ở hệ thống di vật. Trước hết phải kể đến cuốn thần tích chữ Hán, 8 đạo sắc phong thần, trong đó sắc có niên đại sớm nhất là Chiêu Thống nguyên niên (1787), sắc niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792), sắc niên hiệu muộn nhất là Khải Định thứ 9 (1924), một cỗ kiệu long đình sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XIX. Hai cỗ long ngại bài vị chạm rồng nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể ẩn tàng trong nội dung các sắc phong, đại tự, hoành phi, câu đối. Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều tập trung ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, nơi ngôi đình toạ lạc, công trạng, đức độ của các vị thần được thờ.

Đình Dịch Vọng Sở đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2001./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)