Check in Hà Nội

Đình Cự Đồng

Sơn Dương (t/h) 10:14 05/04/2023

Đình Cự Đồng còn có tên là đình Đông Lâm, thuộc thôn Cự Đồng, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Cự Đồng thời Nguyễn thuộc xã Cự Linh, tổng Cự Linh, là một địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hoá. Nơi đây từng là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định những năm 40 - 42 sau Công nguyên. Dấu ấn lịch sử còn lưu lại tới ngày nay trên mảnh đất Cự Đồng hiện còn bảo lưu một ngôi đình thờ danh tướng Thành Công Tương Liệt đại vương, đã được Hai Bà Trưng phong cho thực ấp ở địa bàn huyện Gia Lâm.

Theo nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu lại trong di tích cho biết: danh tướng Thành Công Tương Liệt đại vương là người có công giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định. Ông được giao trông coi việc binh và thường đi kinh lý các nơi trong vùng. Ngoài việc luyện quân, ông còn dạy dân làm ruộng, chăn tằm. Một lần khi đi qua trang Cổ Linh, thấy phong cảnh nơi đây tươi đẹp, dân chúng cần cù làm ăn, ông đã ở lại Cổ Linh và xây Sinh từ tại thôn Trạm. Sau này khi ông hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhà Hán, ông được Hai Bà Trưng xét công ban thưởng thực ấp tại vùng Cự Linh và cho phép nhân dân trong trang lập miếu đền phụng thờ mãi mãi. Các thôn Cự Linh đều lập đền thờ ông và tôn vinh ông là Thành hoàng làng. Đình Cự Linh còn thờ bà Quế Hoa công chúa họ Đặng. Theo truyền thuyết dân gian ở địa phương cho biết, Quế Hoa công chúa là chị em với Quỳnh Hoa công chúa được thờ tại đình Sài Đồng, phường Phúc Đồng.

Nghi lễ thờ tự trong đình Cự Đồng có nét khác biệt so với đình làng khác quanh vùng thông thường. Trong các công trình kiến trúc của đình chỉ có ban thờ đặt Long ngại, bài vị Thần hoàng làng và ban thờ hậu thần. Ở đình Cự Đồng hiện nay còn có thêm gian thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian và nếp nhà Tảo mạc của đình được sử dụng làm Phật điện thờ Phật.

Đình Cự Đồng hiện nay toạ lạc trên một khu đất cao, rộng thoáng gần với khu cư trú của làng. Các nếp nhà cổ ẩn mình dưới những cây cổ thụ bốn mùa toả bóng mát, tạo cho di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm, huyền bí. Các công trình kiến trúc gồm: cổng Nghi môn, giếng đình, sân, toà kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ “đinh”, 2 dãy nhà Tả, Hữu mạc.

Hội làng Cự Đồng là một trong những lễ hội lớn trong vùng, được tổ chức từ ngày mùng 10 đến 12 tháng hai âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau, đa dạng và phong phú. Nghi lễ đáng lưu ý nhất là lễ rước nước, giống như các lễ hội vùng ven sông Hồng, rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà. Trong lễ hội Cự Đồng có nghi lễ rước kiệu Thánh và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như cờ người, trọi gà, hát thờ cửa đình... và các hoạt động văn hoá, thể thao khác.

Giá trị của đình Cự Đồng còn được thể hiện ở những di vật. Trước hết phải kể đến 2 cỗ Long ngai, bài vị sơn son thếp vàng và 2 tượng chó đá (linh cẩu) cao 75cm đặt ngay ở cổng vào đình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, một cỗ kiệu Long đình sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XX. Đây là những tác phẩm nghệ thuật được trang trí bằng nghệ thuật chạm thủng rất công phu, tinh xảo. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể nằm ở các bức đại tự và hoành phi, câu đối. Các bức đại tự và câu đối khẳng định giá trị của đình.

Đình Cự Đồng đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)