Cụm di tích đình Cốc
Cụm di tích đình Quán Cốc bao gồm 3 di tích: đình Cốc Thượng ở thôn Cốc Thượng; đình Cốc Trung ở thôn Cốc Trung; đình Cốc Hạ ở thôn Cốc Hạ. Cụm di tích này gần như nằm sát kề nhau, thờ chung các vị Thành hoàng và xưa kia cùng chung tên là Kim Cốc, thuộc địa giới xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía tây nam.
Theo thần phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sau đó được Quản giám bách thần trí điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng tả vào năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) hiện lưu tại di tích thờ Lục vị thành hoàng là Lý Thị Ngọc Ba và 5 người con trai của bà đã có công trong việc giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc Đông Hán. Bản thần phả chép như sau: Xưa tại trang Thiên Lộc, phủ Đức Quang có người Tù trưởng họ Đặng, tên là Công Thành kết duyên cùng bà Lý Thị Ngọc Ba. Một lần, ông bà đi về vùng Kim Cốc du ngoạn cảnh đẹp, thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, đất bãi ven sông Đáy.
Hai người bèn sinh cơ lập nghiệp tại đây và sinh 5 người con trai, ông bà đặt tên là Trình Xuân, Trình Duyên, Trình Lang, Trình Nghiêm và Trình Tiên.
Thuở ấy, giặc Tô Định tham tàn bạo ngược, ức hiếp dân lành. Bà Ngọc Ba cùng 5 người con chiêu binh mãi mã, luyện tập võ nghệ, thiết lập dinh đồn tại trang Kim Cốc chuẩn bị đánh giặc. Nghe tin. Tô Định liền cho quân về bao vây hòng dập tắt nghĩa khí của mọi người, bà cùng các con phá được vòng vây.
Một thời gian sau, mẹ con bà lại trở về củng cố đồn binh, chiêu mộ thêm nhiều dân binh, ngày đêm luyện tập. Nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, mẹ con bà đến Hát Môn ra mắt. Hai Bà phong cho Lý Thị Ngọc Ba là tướng chỉ huy một cánh quân, các con đều được phong làm tướng soái, tiến đánh giặc Tô Định, thu về 65 thành trì.
Ngày 6 tháng 12, bỗng nhiên trời đất tối tăm mù mịt, trên sông Đáy các loài thuỷ quái nổi lên, dân làng thấy mẹ con bà xuống thuyền mà không trở lại. Hai Bà Trưng vô cùng thương tiếc, lệnh cho nhân dân vùng Kim Cốc lập đền miếu phụng thờ mẹ con bà và phong cho bà Lý Thị Ngọc Ba là Chiêu Dung công chúa.
Lần theo những địa danh mà thần phả chép lại, như chùa Linh Ứng, bến đò Tân Độ, các gò đất, quán lộ thiên... nhân dân vẫn tương truyền đó là đồn binh của mẹ con bà đã lập ngày xưa để đánh giặc.
Đình Cốc Thượng thờ người con trai thứ ba là Trình Nghiêm và người con trai thứ tư là Trình Lang, hiện còn giữ được 15 đạo sắc phong. Đây là một ngôi đình có quy mô không lớn, được trùng tu vào triều Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851) nên còn in đậm dấu tích thời Nguyễn với cách trang trí hoa văn hoạ tiết trên các cấu kiện kiến trúc gỗ với đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý.
Đình Cốc Trung là nơi thờ bà Lý Ngọc Ba và người con trai thứ 5 là Trình Tiến. Do chiến tranh, nên hiện nay ngôi đình chỉ còn giữ được Hậu cung và 26 đạo sắc phong thời Lê và Nguyễn. Đây cũng là nơi lưu giữ bản Ngọc phả của cụm di tích này.
Đình Cốc Hạ được xây dựng trên một gò cao, tương truyền đây cũng là đồn binh của nghĩa quân. Nhân dân còn gọi là quán, có gò nổi xây bệ thờ lộ thiên và một hạng mục kiến trúc nhỏ. Đầu năm 1954, giặc Pháp bắn phá nơi đây, gây thiệt hại nặng cho di tích. Hiện tại, di tích này còn lưu giữ được 7 tấm bia hậu ghi danh những người đã hưng công xưa kia.
Nhìn tổng thể, cụm di tích này nằm bên tả ngạn sông Đáy. Theo đường chim bay, các di tích cách nhau dưới 1km. Nếu căn cứ vào truyền thuyết và tư liệu điền dã, hồi cố thì giá trị của các di tích này chủ yếu là địa điểm lịch sử, còn về kiến trúc và điêu khắc thì thời gian và chiến tranh đã huỷ hoại mất nhiều. Các di tích này hiện đang được nhân dân địa phương góp công, góp của từng bước tu sửa và tôn tạo lại.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01