Check in Hà Nội

Đình Cao Xá

Sơn Dương (t/h) 10:47 30/03/2023

Toạ lạc trên đất thôn Cao Xá Thượng, nhưng đình Cao Xá là đình chung của 3 thôn là Cao Xá Thượng, Cao Xá Trung và Cao Xá Hạ, thuộc xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Vì vậy, đình Cao Xá còn có tên là đình Tam Thôn.

Ba thôn trước đây hợp thành xã Cao Xá, tổng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng. Vào thời Lê thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, thời Nguyễn thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.

Đình Cao Xá toạ lạc đầu làng, trên một khu đất thoáng rộng nhìn ra cánh đồng. Đình có Tiền tế, Đại bái, Hậu cung và Tả hữu vu.

Toà Tiền tế gồm 5 gian nhà ngang với 4 mái đao cong hướng về 4 phía. Hai đầu bờ nóc đắp rồng lá, giữa bờ dải phần gấp khúc đắp lân. Vào bên trong, các bộ vì được làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ” trên 4 hàng chân cột. Các đầu kẻ hiện được chạm khắc đầu rồng, lá ba chẽ, mây cụm... theo phong cách trang trí nghệ thuật thời Nguyễn.

Qua một khoảng sân hẹp, song song với Tiền tế là Đại bái gồm 5 gian 2 chái với 4 mái đao cong duyên dáng. Hai đầu bờ nóc đắp rồng lá, tựa như Tiền tế, chỗ gấp khúc của bờ giải đắp con lân, lối trang trí lại đem đến một sự sinh động cho ngôi đình. Các bộ vì cũng được làm giống như Tiền tế kể cả phong cách điêu khắc lẫn kiến trúc.

Toà Hậu cung chạy dọc gồm 3 gian, tường hồi bít đốc với 2 mái lợp ngói ri, nối từ gian giữa Đại bái đem đến cho ngôi đình có kiểu kiến trúc chữ “đinh”. Vào bên trong, các bộ vì được làm thiên về bào trơn đóng bén, đáng chú ý là phần trên cửa Hậu cung chạm hổ phù và tứ linh, 2 bức cốn trên cửa nách chạm rồng mây, hoa lá, các mảng chạm khắc cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Dãy Tả hữu mạc gồm 5 gian, có công năng là nơi củ soát lễ vật trước khi vào lễ thánh, dãy này nằm song song với nhau và quay mặt vào nhau qua sân Tiền tế, các bộ vì làm theo kiểu “quá giang” trốn cột đơn giản, thiên về tạo độ thông thoáng.

Gắn bó mật thiết với ngôi đình là các đồ tế tự, các bộ cửa võng, hương án, bàn thờ được chạm khắc công phu các đề tài hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt... lại được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Còn phải kể đến 8 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, cuốn Thần phả do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572, 3 chân đèn gốm ghi rõ niên hiệu Diên Thành (1578 - 1585) thời Mạc Mậu Hợp, 2 bộ kiệu có niên hiệu Lê, bộ long ngai bài vị thờ Thành hoàng làng là Nguyễn An. Ông sinh vào ngày 10 tháng giêng trong một gia đình nghèo, luôn luôn giúp người khốn khó, được cha mẹ nuôi ăn học, nổi tiếng thông minh, văn hay chữ tốt. Sau khi cha mẹ mất, ông mở trường dạy học và ngày càng nổi tiếng là một thầy giáo đức độ. Vốn là vùng đất hiếu học, nhân dân Cao Xá mời ông về dạy cho con em mình. Khi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, Nguyễn An cùng học trò luyện rèn võ nghệ và đến hội binh tại Hát Môn. Sau khi giải phóng đất nước, Hai Bà Trưng khen thưởng và phong chức tước cho ông hưởng thực ấp tại Cao Xá để tiếp tục dạy học rồi tu luyện đạo tiên. Khi Mã Viện sang xâm lược nước ta, Nguyễn An theo Hai Bà đánh giặc và hy sinh cùng Hai Bà...

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)