Check in Hà Nội

Đình Cầu Đơ

Sơn Dương (t/h) 09:35 30/03/2023

Đình Cầu Đơ thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km. Đình toạ lạc ngay sát đường Quang Trung, quay hướng nam. Đình thờ tướng quân Đỗ Bí cùng một số quan đại thần triều Lê. Đây là những người có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập ra triều Hậu Lê thế kỷ XV.

Ngôi đình này trước kia dựng gần bờ sông Nhuệ, sau khi thực dân Pháp xâm lược, năm 1886 nhân dân đã dỡ đem về dựng ở vị trí hiện nay. Năm 1924, đình được tu sửa lớn và làm thêm toà Phương đình. Về sau, đình còn được tu sửa và các năm 1925, 1941. Mặt bằng chính ngôi đình gồm Phương đình, Đại bái, Hậu cung và dãy Tả hữu mạc. Kiến trúc phụ còn có sân đình, tứ trụ, thuỷ đình, ao sen... Bố cục đăng đối so với kiến trúc chính. Bên trong đình, nghệ thuật trang trí in đậm dấu ấn thời Nguyễn. Biểu hiện tập trung trên các bộ vì, các bộ vì này được làm theo kiểu “chồng rường, tiền kẻ hậu bẩy”. Đặc biệt, ở toà Phương đình làm theo kiểu “chồng diêm” hai tầng tám mái đao cong vừa tạo thế chắc khoẻ, vừa mở rộng không gian theo chiều cao, khiến cho không gian trở nên thoáng đãng, thanh nhẹ.

Nghệ thuật kiến trúc ở toà Phương đình đạt đến điển hình kiến trúc thời Nguyễn cả về phong cách nghệ thuật và kỹ thuật, đặc biệt là yếu tố nghệ thuật dân gian ở đây rất đậm nét. Những cảnh chơi cờ, ca múa, chim muông, hươu nai chiếm một tỷ lệ lớn. Môtíp “cá chép hoá rồng” cũng được thể hiện bằng nghệ thuật điêu khắc. Ngay chính giữa đình có bức chạm gỗ hình ngũ hổ, giữa có hòm sắc đề bốn chữ Hán: “Ngũ hổ đại thần”. Ngoài ra, trên các cấu kiện gỗ trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý truyền thống. Nếu như rồng được xem là biểu tượng của quyền uy, của sức mạnh của triều đình phong kiến và thường đi cùng với ly, quy, phượng thì ở đình Cầu Đơ, rồng còn chạm cùng các loại thú khác như hươu, nai, chim muông mang dáng vẻ hiền hoà.

Vào cuối thế kỷ XIX, nhịp độ phát triển của xã hội nhanh hơn, các đề tài điêu khắc cũng được mở rộng, đình Cầu Đơ còn chạm khắc các đề tài lấy từ cốt truyện Thuỷ Hử, Tây Du Ký Tam Quốc như cảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào.

Ngoài ra, đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý bằng đồng và một số di vật khác như 13 đạo sắc phong của của các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1985.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)